Thứ ba, 20/6/2017, 21h10

TP.HCM: Đẩy mạnh xây dựng trường lớp để giảm quá tải

Năm học mới 2017-2018, TP.HCM dự kiến tăng hơn 59.000 HS, trong đó tăng nhiều ở các quận ven và huyện ngoại thành. Để đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn, nhiều quận, huyện đang nỗ lực xây dựng thêm trường lớp...

Năm học 2017-2018, Trường MN Trúc Đào (Q.Bình Tân) được đưa vào sử dụng. Ảnh: D.Bình

Hơn 1,6 triệu HS vào năm học mới

Thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học mới này dự kiến có hơn 1,6 triệu HS, trong đó bậc mầm non (MN) có 386.118 HS, TH có 598.983 HS, THCS có 413.243 HS và THPT có 213.092 HS (tăng hơn 59.000 HS so với năm học trước). Số HS tăng phần lớn tập trung ở các quận ven và huyện ngoại thành do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Đơn cử như Q.Gò Vấp, năm học mới có số HS từ bậc MN lên TH tăng khoảng 1.000 trẻ (tăng hơn 4%), trong khi đó số HS từ lớp 5 lên lớp 6 tăng gần gấp đôi (khoảng 1.700 HS). Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM sáng 20-6, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp cho biết: “Năm nay, số lượng HS lớp 9 ra trường gần 6.000 em nhưng có tới 7.740 em vào lớp 6. Do đó, sĩ số HS/lớp ở bậc học này sẽ tăng lên, quận khó tăng tỷ lệ HS THCS học 2 buổi/ngày. Với HS từ bậc MN lên TH thì tăng không nhiều, tương đương với năm ngoái”.

Cũng trong ngày 20-6, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho biết: “Dự kiến, số HS của quận ở 3 bậc học (MN, TH và THCS) sẽ tăng khoảng 5.700 em, trong đó tăng mạnh ở bậc MN và TH. Mức tăng này tương đương với năm ngoái nhưng với số lượng đông như vậy, hàng năm quận phải chịu nhiều áp lực về việc đảm bảo có đủ chỗ học cho HS”.

Do tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp nên Q.Thủ Đức có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao, kéo theo đó là tăng hàng ngàn HS các lớp đầu cấp/năm học. Theo kế hoạch tuyển sinh của Q.Thủ Đức, năm học mới quận sẽ tiếp nhận khoảng 22.450 HS các lớp đầu cấp là lớp lá (5 tuổi), lớp 1 và lớp 6 (tăng hơn 4.200 HS so với năm học trước). Trong đó, tăng mạnh nhất là ở khối lớp 5 tuổi (tăng hơn 2.000 trẻ) khi dự kiến tiếp nhận số trẻ lên đến 8.120 em.

Nhiều quận, huyện khác cũng đã công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp như Q.Tân Phú, Bình Thạnh, Q.4, Q.6… Theo đó, các địa phương đều tăng mạnh số HS từ MN lên TH và từ TH lên THCS.

Vùng ven, ngoại thành tăng mạnh phòng học

Nhằm giảm quá tải chỗ học cho HS, những năm gần đây các quận, huyện đã đẩy mạnh việc xây dựng trường lớp. Theo đó, đến thời điểm này hàng loạt các công trình đã hoàn thành tới 90% để đưa vào sử dụng trong năm mới.

“Năm học 2017-2018, quận có thêm 1 trường THCS, 3 trường MN được xây mới và 2 trường TH được nâng cấp, mở rộng. Vì vậy, chắc chắn quận sẽ đảm bảo đủ chỗ học cho HS nhưng việc tăng số HS học 2 buổi/ngày vẫn rất khó”, ông Khưu Mạnh Hùng thông tin.

Được biết, năm học mới này Q.12 có 82 phòng học mới được đưa vào sử dụng, trong đó bậc MN có 44 phòng, TH có 9 phòng và THCS có 29 phòng.

Tương tự, huyện Củ Chi có 202 phòng học mới, trong đó bậc MN có 87 phòng, TH có 90 phòng và THCS có 25 phòng. Huyện Bình Chánh cũng sẽ đưa vào sử dụng 137 phòng học mới, trong đó bậc MN có 47 phòng, TH có 35 phòng và THPT có 55 phòng (do năm nay huyện có thêm 1 trường THPT mới là Trường Phổ thông Năng khiếu Bình Chánh). Q.Bình Tân có 89 phòng học mới, trong đó bậc MN có 20 phòng, TH có 44 phòng và THCS có 5 phòng. Riêng Q.Thủ Đức và huyện Hóc Môn có số lượng HS đầu cấp tăng khá mạnh nhưng theo số liệu báo cáo thì số phòng học mới chỉ đưa vào sử dụng ở 1 bậc học. Cụ thể, Q.Thủ Đức có thêm 30 phòng học mới ở bậc TH và huyện Hóc môn có thêm 45 phòng học mới ở bậc MN…

Dự kiến đến đầu năm học này TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.497 phòng học, trong đó bậc MN tăng 370 phòng, TH tăng 349 phòng, THCS tăng 422 phòng, THPT tăng 314 phòng và các hệ thống khác như TT GDTX, giáo dục chuyên biệt tăng 29 phòng. Theo đó, TP sẽ tiếp tục đảm bảo 100% trẻ trên địa bàn có chỗ học. Ngoài ra, công tác sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học đối với khối quận huyện đã được cấp 438.422 triệu đồng trong hè; khối THPT, trực thuộc, TT GDTX khoảng hơn 85.000 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam, cho biết mỗi năm TP tăng khoảng 60.000 HS là khó khăn lớn cho ngành giáo dục TP. Nhưng chủ trương của TP là đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả con em dù có hộ khẩu hay không. Vì vậy, TP đang nỗ lực xây dựng trường lớp và đã quy hoạch xây dựng trường lớp cụ thể cho từng quận, huyện để làm sao có đất xây dựng trường lớp đáp ứng theo mức tăng HS thực tế.

Nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học, TP đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học. Tính đến tháng 5-2017, TP đã đạt 259 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học nên mục tiêu trên chắc chắn sẽ thực hiện được.

Dương Bình