Thứ năm, 7/12/2017, 23h32

TP.HCM: Nỗ lực xử lý 10 điểm giao thông phức tạp

Tại hội nghị giao ban về tổ chức giao thông mở rộng vừa qua, Ban ATGT TP cùng với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm sớm khắc phục 10 điểm giao thông phức tạp trong thời gian sắp tới cũng như đảm bảo tình hình trật tự ATGT trong những tháng cuối năm.

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là một trong hai điểm giao thông phức tạp nhất cần được khắc phục trong thời gian tới

Giải quyết 10 điểm giao thông phức tạp

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong (Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM), hiện thành phố còn tồn tại 10 điểm có tình hình giao thông phức tạp cần xử lý gồm: Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm; ngã sáu Công trường Dân Chủ; cảng Cát Lái; cảng Trường Thọ - ngã tư Tây Hòa; ngã 5 Đài Liệt sĩ (từ ngã ba Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng đến cầu Bình Triệu trên quốc lộ 13); giao lộ Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Linh; đường Dương Bá Trạc; tuyến quốc lộ 1 - cầu Bình Điền; ngã tư Thủ Đức.

Trong số 10 điểm giao thông phức tạp nêu trên, Trung tá Huỳnh Trung Phong lưu ý đến hai điểm có tình hình giao thông phức tạp nhất, thường xảy ra ùn tắc kéo dài là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và cảng Cát Lái (quận 2). Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên Đán, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục là điểm “nóng” về giao thông do lượng hành khách đi lại sẽ tăng cao, lượng phương tiện ra vào cảng Cát Lái cũng tăng lên do hàng hóa về nhiều. Do đó, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thành lập đoàn liên ngành, tổ phản ứng nhanh, phân công nhóm tác nghiệp để tăng cường kiểm soát, phân luồng, kéo giảm ùn tắc giao thông ở những khu vực này. Trung tá Huỳnh Trung Phong cũng đề nghị cảng Cát Lái tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng bằng cách sắp xếp bãi đậu cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa bên trong cảng, còn CSGT sẽ hỗ trợ điều tiết giao thông ở bên ngoài cảng và bố trí sẵn lực lượng nhằm xử lý tình huống phát sinh một cách kịp thời.

Ở 8 điểm giao thông phức tạp còn lại, lực lượng chức năng cũng đề ra những giải pháp điều chỉnh một cách cụ thể. Chẳng hạn như tiến hành nghiên cứu tháo dỡ vòng xoay và tổ chức lại giao thông khu vực nút giao thông ngã sáu Công trường Dân Chủ, tăng cường giám sát và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông hợp lý tại ngã tư Thủ Đức, đồng thời tổ chức giao thông khu vực ngã tư Thủ Đức, giao lộ Lê Văn Việt - đường song hành xa lộ Hà Nội cho phù hợp… Liên quan đến 37 điểm đen về ùn tắc giao thông, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết một số khu vực đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để duy trì tính bền vững của những điểm đã có chuyển biến, vì thành phố hiện đang quản lý trên 8 triệu phương tiện và hàng ngàn phương tiện vãng lai, nhưng số lượng phương tiện vẫn tiếp tục tăng và chưa bao giờ có điểm dừng.

Đảm bảo ATGT cho những tháng cuối năm

Nhằm đảm bảo ATGT vào những tháng cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết, bên cạnh công tác phối hợp đoàn liên ngành, CSGT sẽ chủ động tăng cường lực lượng 24/24 giờ tại một số khu vực trọng điểm, đảm bảo thông suốt các tuyến đường để hạn chế thấp nhất thương vong về TNGT.

Để giải quyết những điểm giao thông phức tạp, cũng như đảm bảo trật tự ATGT cho những tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP) lưu ý đến công tác tiên lượng tình hình giao thông để nhanh chóng bố trí lực lượng xử lý nhằm phòng ngừa xảy ra ùn tắc. Về vấn đề này, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt trong việc khắc phục những điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông cao bằng nhiều giải pháp kết hợp từ hạ tầng, kiểm tra xử lý, đến bố trí lực lượng thực hiện và tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, công tác này cần được thực hiện theo hướng lâu dài, cần có sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với các sở ngành quận, huyện nhằm đạt được hiệu quả mang tính bền vững. Riêng đối với những công trình đang thi công không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây ùn tắc, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm minh để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông, gây cản trở cho việc lưu thông của các phương tiện.

Nhằm đảm bảo ATGT vào những tháng cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết, bên cạnh công tác phối hợp đoàn liên ngành, CSGT sẽ chủ động tăng cường lực lượng 24/24 giờ tại một số khu vực trọng điểm, đảm bảo thông suốt các tuyến đường để hạn chế thấp nhất thương vong về TNGT. Đồng thời, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những đối tượng là nguyên nhân gây TNGT như chạy quá tốc độ, vận chuyển quá tải trọng, lưu thông không đúng phần đường, thay đổi kết cấu phương tiện,… Để công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được thực hiện một cách hiệu quả nhất, lực lượng CSGT sẽ vận dụng hệ thống cân tải trọng, máy bắn tốc độ, thiết bị đo nồng độ cồn, hệ thống camera giám sát ở những khu vực trọng điểm, khu vực cửa ngõ để trích xuất hình ảnh của những trường hợp vi phạm theo quy định chung.

Bài, ảnh: Vũ Phương