Thứ năm, 19/10/2017, 21h41

TP.HCM: Phấn đấu 100% bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT

Ngày 18-10, Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội TP và các bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện xung quanh vấn đề thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT cho bệnh nhân (BN) HIV/AIDS.

Lâu nay kinh phí phòng chống HIV/AIDS ở nước ta chủ yếu từ nguồn viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam được công nhận là nước có mức sống trung bình thì nguồn viện trợ giảm dần. Dự kiến từ quý I/2018, nguồn viện trợ sẽ cắt, thay vào đó là nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ BHYT chi trả. Bộ Y tế đã có nhiều thông tư, quyết định, hướng dẫn các BV trên toàn quốc kịp thời hỗ trợ BN mua BHYT để tránh gián đoạn quá trình khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại TP.HCM, số liệu thống kê năm 2016, BN điều trị ARV là 29.523 người; 6 tháng đầu năm 2017 là hơn 31.000 người, trong đó 1.956 BN mới. Các BN chủ yếu tập trung ở những BV tuyến quận, huyện, TTYT (82,3%). Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP - cho biết, số BN đang điều trị ARV trên toàn TP.HCM là rất lớn, chiếm ¼ của cả nước. Thời gian qua, Sở Y tế TP đã triển khai quy trình mua thẻ, cấp thẻ và phối hợp khám BHYT cho người bệnh điều trị ARV. Bởi theo kế hoạch thì năm 2018, BN HIV/AIDS phải được đáp ứng những dịch vụ liên quan; và năm 2019, thuốc ARV sẽ vào quỹ BHYT. Như vậy, đến năm 2019, 100% BN phải có BHYT để khi khám chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả. Đối với 15% BN không có giấy tờ tùy thân vẫn sẽ được hỗ trợ khám chữa bệnh và chi trả bằng thẻ BHYT. Để kịp lộ trình trên, Sở Y tế TP và các BV, TTYT quận, huyện đang khẩn trương rà soát lại các điều kiện để ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, bao gồm HIV/AIDS với Bảo hiểm xã hội.

Tại buổi làm việc, 4 mô hình trong chăm sóc các BN HIV/AIDS được đưa ra thảo luận, gồm: Thành lập phòng khám đa khoa (ký hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu với BHYT) tại TTYT; chuyển BN từ TTYT sang BV quận, huyện; thành lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại TTYT; TTYT có phòng khám đa khoa thuộc BV (sau sát nhập - PV).

Riêng với mô hình thành lập phòng khám đa khoa tại các TTYT, đến nay đã có 10 đơn vị nộp hồ sơ, trong đó có 3 đơn vị đã được thẩm định (Q.6, 7, 9), 1 đơn vị được cấp phép thành lập (TTYT Q.Gò Vấp).

Thương Thương