Thứ bảy, 28/10/2017, 21h05

TP.HCM: Phấn khởi với những công trình giao thông mới

Hàng loạt các công trình giao thông tiền tỷ đang được đầu tư tại TP.HCM khiến cho người dân vô cùng phấn khởi…

Phối cảnh cầu nối Đại lộ Mai Chí Thọ với đảo Kim Cương

Hơn 124 tỷ đồng xây dựng 2 trạm thu phí tự động ​

Sở GTVT TP.HCM vừa cho biết, UBND TP chấp thuận cho 2 công ty đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng tại 2 trạm thu phí ở TP.HCM. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đầu tư Trạm thu phí An Sương - An Lạc thuộc dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc; Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tư Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội thuộc dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) thực hiện theo hình thức BOT.

Cụ thể, Trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) gồm 1 trạm chính và 6 trạm phụ. Trạm chính bố trí trên tuyến Quốc lộ 1 theo 2 hướng lưu thông. Các trạm phụ bố trí tại các tuyến đường nhánh bao gồm Bà Hom, Hương Lộ 2, Tân Kỳ - Tân Quý, Vĩnh Lộc và Gò Mây.

Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ETC tại trạm thu phí chính, mỗi hướng lưu thông 2 làn và 13 làn ở các trạm phụ.

Giai đoạn 2, đầu tư thêm 4 làn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ETC kế tiếp 4 làn giai đoạn 1, nâng tổng số làn thu lên 8 làn, mỗi hướng lưu thông 4 làn.

Hệ thống đảm bảo xử lý với tốc độ xe qua trạm tối đa 40km/giờ giai đoạn 1 và 120 km/giờ giai đoạn 2. Xử lý được các trường hợp nhiều xe nối đuôi nhau, đi sát nhau.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 88 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2018.

Đối với Trạm thu phí trên Xa lộ Hà Nội, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn thu phí điện tử tự động không dừng ETC, mỗi hướng lưu thông 2 làn.

Giai đoạn 2 làm thêm 4 làn, nâng tổng số làn của 2 giai đoạn lên 8 làn, mỗi hướng lưu thông 4 làn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 hơn 35 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, theo đúng quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu, quản lý chất lượng công trình, tiến độ, chi phí đầu tư, không để thất thoát lãng phí.

493 tỷ đồng xây cầu qua đảo Kim Cương

Trong tháng 9, Sở GTVT TP.HCM cũng đã khởi công xây dựng cầu nối Đại lộ Mai Chí Thọ với đảo Kim Cương. Dự án nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2).

Theo thiết kế, cầu qua đảo Kim Cương dài 291m, rộng 22m có 4 làn xe. Dự án còn xây dựng kè dọc sông Sài Gòn, xây dựng đường ven sông Sài Gòn nối tiếp đường ven sông hiện hữu và xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh... 

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 493 tỷ đồng (giá trị xây lắp cầu là 175 tỷ đồng) từ vốn ngân sách thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2018.

Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM) - chủ đầu tư dự án, hiện nay các phương tiện lưu thông qua đường Đồng Văn Cống, qua nút giao Mỹ Thủy và đường Vành đai 2 đang trong tình trạng quá tải. Do đó, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu qua đảo Kim Cương sẽ hình thành một hướng lưu thông mới cho các loại xe qua hướng Mai Chí Thọ, kết nối với đường Vành đai 2, qua cầu Phú Mỹ. Đồng thời, góp phần giảm ùn tắc trên đường Đồng Văn Cống và khu vực quanh cảng Cát Lái.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “Đây là dự án quan trọng, vì vậy công trình phải đảm bảo đúng tiến độ thi công, nếu rút ngắn được thì tốt, nhưng chất lượng phải đặt lên trên hết”

Gần 155 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Lê Đức Thọ

Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 hiện đang sửa chữa đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp). Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 (đơn vị quản lý tuyến đường) cho biết, đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) mặt đường hẹp và những ổ gà ngày càng rộng ra khiến tuyến đường này thường bị ùn tắc giao thông. Do chưa có hệ thống thoát nước, nên việc dặm vá, duy tu con đường này chỉ là biện pháp tạm thời chứ không giải quyết tận gốc. Cách giải quyết dứt điểm tình trạng hư hỏng này là phải sửa chữa đường.

Theo đó, đường Lê Đức Thọ đoạn từ cầu Trường Đai đến cầu Cụt dài khoảng 600m, mặt đường rộng từ 6,5m - 7m sẽ được nâng cấp mở rộng lên 20m; trong đó đường rộng cho 4 làn xe lưu thông và vỉa hè hai bên làm rộng 6m.

Ông Phạm Ngọc Dũng cho biết thêm, sẽ có khoảng 70 hộ dân và 3 đơn vị nằm trong phạm vi đền bù giải tỏa.

Hiện nay, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp đang chi trả bồi thường cho các hộ dân và đơn vị. Tổng mức đầu tư dự án là 154,9 tỷ đồng, trong đó, tiền đền bù giải tỏa là 111,6 tỷ đồng.

T.S