Thứ năm, 16/2/2017, 21h39

TP.HCM sẽ có con đường âm nhạc

Cùng với đường sách TP.HCM, việc có thêm con đường âm nhạc đang mang đến nhiều hào hứng cho người dân TP về một sân chơi âm nhạc đường phố riêng biệt và bài bản cho người dân TP.

Đường Hàn Thuyên nằm trong đề án xây dựng con đường âm nhạc ở Q.1

Đề án con đường âm nhạc ở TP.HCM đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Ý tưởng thành lập con đường âm nhạc sẽ giúp các bạn trẻ, du khách, người dân có nhiều lựa chọn vui chơi vào mỗi dịp cuối tuần.

Nâng cao đời sống tinh thần

Vừa qua, UBND TP.HCM đã cơ bản chấp thuận, cho phép thành lập con đường âm nhạc phục vụ đời sống tinh thần người dân và du khách mà UBND Q.1 đề xuất trước đó. Theo đó, Q.1 dự kiến chọn tổ chức con đường âm nhạc là đường Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes. Hai con đường này gần nhà thờ Đức Bà và dinh Thống Nhất, là nơi thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Việc lựa chọn địa điểm là khó khăn lớn nhất hiện nay. Dự kiến chọn hai tuyến đường trên vì hai đường này ít nhà dân, sẽ không gây nhiều ảnh hưởng, xáo trộn khi chặn xe để làm con đường âm nhạc.

Trước mắt, Q.1 sẽ đề xuất TP cho làm thí điểm vào dịp cuối tuần, khoảng 2-3 tiếng vào buổi sáng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất khu vực công viên cảng Bạch Đằng và khu phố Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão. Trong quý 1 này, một con đường sẽ được lựa chọn. Mục đích hình thành con đường âm nhạc ban đầu là để có thêm điểm sinh hoạt văn hóa cuối tuần, tạo điều kiện để các loại hình âm nhạc, văn hóa lành mạnh phát triển, nâng cao đời sống tinh thần. Vị trí con đường âm nhạc mà Q.1 dự kiến chọn cũng sẽ rất gần với Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM và đường sách TP.HCM, nơi giới trẻ thường xuyên đến sinh hoạt văn hóa. Do đó, theo dự kiến, những “nghệ sĩ” đầu tiên được biểu diễn ở đây là các hội nhóm sinh viên đang sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM bởi nơi đây có rất nhiều hội nhóm, câu lạc bộ âm nhạc sinh viên đang sinh hoạt. Theo đó, các hội nhóm này sẽ biểu diễn rất nhiều thể loại, có thể là âm nhạc dân tộc hoặc theo đặc thù, tuần này là dân ca Nam bộ, tuần sau là Trung bộ... Theo nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, “nhiều nước trên thế giới đều có con đường dành cho tất cả nghệ sĩ và những người yêu ca hát thể hiện tài năng. Trong tương lai gần, sự ra đời và đi vào hoạt động, duy trì của con đường âm nhạc ở TP là hoàn toàn khả thi”.

Gần gũi với công chúng

Con đường âm nhạc còn là nơi để quảng bá du lịch, thể hiện phần nào đời sống tâm hồn của người dân TP. Do đó, đề án xây dựng con đường âm nhạc đang dành được nhiều sự ủng hộ từ phía các nghệ sĩ và người yêu thích âm nhạc.

Vào những sáng cuối tuần, khu vực Công viên 30-4 thường tập trung nhiều bạn trẻ yêu ca hát. Họ chọn công viên là nơi để thả lòng mình vào những lời ca, tiếng hát. Họ thử sức mình với nhiều thể loại âm nhạc như POP, Rock, nhạc trữ tình, tiền chiến... Những năm gần đây, sự trở lại của dòng nhạc bolero cũng làm nhiều người trẻ say mê. Thế nên, muốn thu hút giới trẻ, cần đa dạng các nhóm nhạc, các nghệ sĩ đường phố tự do chứ không chỉ gói gọn trong các đoàn, nhóm mang tính phong trào. Do đó, để đường nhạc vừa thỏa mãn nhu cầu biểu diễn của các nghệ sĩ, người trẻ yêu âm nhạc, vừa không làm ô nhiễm không gian công cộng, làm khổ tai người nghe là vấn đề đặt ra nhiều thách thức khi xây dựng đề án con đường âm nhạc hiện nay.

Theo nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, “nhiều nước trên thế giới đều có con đường dành cho tất cả nghệ sĩ và những người yêu ca hát thể hiện tài năng. Trong tương lai gần, sự ra đời và đi vào hoạt động, duy trì của con đường âm nhạc ở TP là hoàn toàn khả thi”.

Đã có ý kiến cho rằng nên chăng xây dựng con đường âm nhạc thành con đường văn hóa, kết hợp cả âm nhạc và hội họa, với nhiều hoạt động như triển lãm, trình diễn, buôn bán, trao đổi, giao lưu, thảo luận... Sự kết hợp gần gũi này sẽ lôi cuốn công chúng, đặc biệt là những người trẻ.

Con đường âm nhạc không chỉ là một địa chỉ văn hóa cho người dân TP, mà còn là dấu ấn cho du khách, khách quốc tế của các đoàn ngoại giao khi đến TP.HCM. Nhạc sĩ Trương Quang Lục không giấu được niềm vui mừng khi nghe thông tin về đề án con đường âm nhạc ở Q.1. Ông chia sẻ: “Tôi rất vui trước thông tin về đề án con đường âm nhạc. Chúng ta đã có đường sách thì việc xây dựng con đường âm nhạc, hay thậm chí sau này là đường thơ sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Nếu con đường âm nhạc đi vào hoạt động và có sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền cùng sự kết hợp về chuyên môn của Hội Âm nhạc TP.HCM, tôi tin con đường âm nhạc sẽ hoạt động một cách hiệu quả”.

Âm nhạc là có khả năng kết nối nhiều người. Xây dựng con đường âm nhạc gần gũi, có sự phối hợp sao cho khoa học, thẩm mỹ sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân TP.

Bài, ảnh: Yên Hà