Thứ tư, 11/7/2018, 20h02

TP.HCM: Sẽ thu hồi dự án chậm triển khai

Là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại phiên thảo luận chiều ngày 11-7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX, xoay quanh kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn.

Phiên thảo luận chiều 11-7

Cam kết giải quyết dứt điểm dự án Thanh Đa

Báo cáo kết quả giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP của HĐND, từ năm 2012 đến năm 2017, UBND TP đã rà soát 1.269 dự án với tổng diện tích 18.930 ha và xử lý điều chỉnh cắt giảm quy mô, diện tích 10 dự án với diện tích 38,84 ha. Đồng thời hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với tổng diện tích 5.915 ha.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu ra hạn chế: công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời việc giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Từ đó ảnh hưởng đến kết quả giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất và vẫn chưa đạt kế hoạch sử dụng đất. Hiện TP vẫn còn một số dự án chậm triển khai, còn tình trạng quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện nhất là đối với các công trình công cộng.

Trước hạn chế này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở, ngành liên quan, từ nay đến gần cuối năm 2018 phải báo cáo hết các dự án. Theo đó, dự án nào thực hiện chậm, không đủ điều kiện triển khai sẽ bị thu hồi và dứt khoát không để tình trạng này kéo dài.

“Những dự án khi được giao nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm đã gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi người dân và gây bức xúc trong nhân dân trong thời gian qua. Điều này cũng phản ảnh công tác quản lý còn kém”, ông Phong nói.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM dẫn chứng nhiều dự án treo ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, trong đó có dự án bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa được giải quyết.

Ông Khuê nêu: “Mặc dù khoảng cách từ Thanh Đa đến trung tâm TP không xa nhưng khu vực này giống như một vùng đất hoang hóa, giao thông xuống cập, thường xuyên xảy ra ngập nước. Các hộ dân không dám đầu tư xây dựng, nhà cửa xập xệ tệ hơn khu tạm cư”.

Theo ông Khuê, tài nguyên đất của TP không phải là không có, nhưng có giai đoạn việc quản lý bị buông lỏng. Khi TP cần xây dựng công trình phúc lợi nhưng vẫn loay hoay vì chưa có đất, thậm chí phải quy hoạch vào những khu vực dân cư đang ổn định.

Trước ý kiến của ông Khuê, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ khó khăn với người dân khu vùng dự án này và cho rằng, khi còn là đại biểu Quốc hội quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, ông đã nghe bức xúc của người về dự án, đến nay dự án vẫn chưa có chuyển động đáng kể. Nguyên nhân vì trước đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc nhà đầu tư thực hiện dự án là liên doanh giữa đơn vị nước ngoài và một đơn vị trong nước nhưng sau đó đơn vị  nước ngoài  rút đi, bắt buộc TP phải xin lại ý kiến Thủ tướng nên thủ tục kéo dài.

Ông Phong khẳng định, đến nay đã mời nhà đầu tư lên, đề nghị thực hiện cam kết nếu không sẽ thu hồi dự án và các ngành chức năng chịu trách nhiệm thẩm định chặt chẽ cam kết của doanh nghiệp này. Mặt khác, UBND TP cũng đã có báo cáo Thành ủy cho chủ trương và UBND TP cam kết sẽ giải quyết dứt điểm dự án này.

Đất công viên bị “xẻ thịt” kinh doanh

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng tổng thể đất dành cho công viên cây xanh chưa cần bằng và nhiều công viên đang bị “xẻ thịt” kinh doanh.

Một đại biểu ý kiến xoay quanh kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn TP chiều 11-7

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP cho biết: “TP hiện có 542,9 ha đất cho công viên cây xanh nhưng phân bổ chưa hài hòa. Tại các vùng ngoại thành, đất công viên chiếm chưa tới 1% diện tích”.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung, hiện TP chưa có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch không phù hợp cho công viên cây xanh. Nhiều công viên đang diễn ra các loại hình kinh doanh nhà hàng, quán ăn, giải trí không phù hợp khiến quyền lợi của người dân bị xâm phạm. Trong các công viên,  Công viên Phú Lâm bị chiếm 38,7%, Lê Thị Riêng 20% và Tao Đàn là 8%.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (Q. Bình Tân) cũng dẫn chứng Thảo Cầm Viên đang diễn ra nhiều loại hình vui chơi, giải trí, kinh doanh nước uống... trái với hoạt động chính của Thảo Cầm Viên là dành cho chăm sóc, bảo tồn động vật. Bà Trâm kiến nghị TP phải để công trình công cộng hoạt động đúng công năng. Mặt khác, TP cũng cần tạo điều kiện người dân giám sát, phản biện vấn đề này.

Để chấm dứt tình trạng công viên hoạt động không đúng công năng, ông Phong đề nghị từ nay đến cuối tháng 7 – 2018, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phải trình UBND giải pháp, đề xuất giải quyết cụ thể, không thể cứ để nói mãi rồi không hành động, điều này không đúng với tinh thần “TP năng động, sáng tạo””.

Nguyễn Trinh