Thứ sáu, 9/7/2010, 08h07

TP.HCM thêm 108 học sinh đậu tốt nghiệp: Giám khảo chấm đúng thực lực của thí sinh

Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố danh sách 108 thí sinh (TS) đậu tốt nghiệp sau khi chấm phúc khảo của kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010. Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết sơ qua về lượng bài thi xin phúc khảo năm nay?
Ông Lê Hồng Sơn: Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP.HCM có 4.266 TS nộp đơn phúc khảo, tăng 2,5 lần so với kì thi các năm trước. Trong đó, môn lịch sử có số lượng bài phúc khảo nhiều nhất là 1.448 bài, môn địa 1.060, môn văn 995, môn toán 517, Anh văn 112 và hóa học 72 bài.
Nguyên nhân dẫn tới việc lượng bài phúc khảo năm nay tăng là do điều kiện phúc khảo năm nay “dễ chịu” hơn các năm trước. Điểm thi môn phúc khảo chỉ cần chênh lệch một điểm so với điểm tổng kết cuối năm lớp 12 của môn học đó là TS có quyền nộp đơn phúc khảo. Ngoài ra, đây là năm đầu tiên TS phải thi 2 môn học bài trong kì thi tốt nghiệp nên điểm thi bị kéo xuống rõ rệt.
Có ý kiến cho rằng: kết quả bài thi thấp do trong quá trình chấm chéo, các tỉnh thành chấm “gắt”, ông có nhận định gì với ý kiến này?
- So với lượng bài xin phúc khảo, số học sinh đậu tốt nghiệp trong lần phúc khảo chỉ có 108 TS. Như vậy, ở mỗi hệ THPT và GDTX, tỉ lệ TS đậu tốt nghiệp chỉ tăng 0,01%. Đây là năm thứ 2, Bộ GD-ĐT thực hiện việc chấm chéo kì thi tốt nghiệp THPT giữa các tỉnh thành, do đó, việc chấm thi năm nay cũng như năm trước được thực hiện nghiêm túc, giám khảo chấm đúng thực lực của TS, không có hiện tượng vi phạm trong quá trình chấm cả ở TP.HCM lẫn các tỉnh thành chấm bài cho TP.HCM.
Với số lượng TS rớt tốt nghiệp năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM có định hướng gì, thưa ông?
- Năm nay, TP.HCM có gần 3.000 TS hệ THPT và 5.000 TS hệ GDTX không đậu tốt nghiệp. Đối với những TS này, nếu có điều kiện, các em có thể tiếp tục ôn tập, chờ đến kì thi tốt nghiệp THPT năm sau. Hoặc các em có thể chọn cho mình một trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung tâm dạy nghề. Trong thời gian này, các em vừa có thể học nghề, vừa rèn luyện, ôn tập kiến thức đợi đến kì thi tốt nghiệp THPT năm sau. Từ môi trường này, các em có thể tiếp tục học lên các trường ĐH, CĐ nếu có khả năng.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Ngọc Anh