Thứ năm, 30/11/2017, 22h49

TP.HCM: Xây cầu vượt ở khu vực trường học

Nhằm đảm bảo ATGT cho người đi bộ sang đường, trong nhiều năm qua thành phố đã nỗ lực xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành ở các bệnh viện, trường học, siêu thị, khu đông dân cư… Từ nay đến cuối năm 2017, một số cầu vượt bộ hành sẽ tiếp tục được xây dựng tại các khu vực trường học để phục vụ nhu cầu đi lại của hàng ngàn học sinh - sinh viên (HSSV).

Phối cảnh cầu vượt bộ hành đang được xây dựng trước Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (quận 5)

An toàn cho HSSV

HSSV của hai Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5) dự kiến vào cuối năm nay sẽ được sử dụng cầu vượt đi bộ sang đường an toàn. Dự án cầu vượt bộ hành này đã được Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP) khởi công vào ngày 2-11 ở vị trí trước Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, cách vòng xoay ngã sáu Cộng Hòa khoảng 200m hướng về đường An Dương Vương. Cầu có thiết kế dài 23 mét, rộng 4 mét, tĩnh không dưới cầu 4,75 mét, với tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12 tới, là phương tiện đảm bảo ATGT cho hàng trăm HSSV qua đường ở khu vực này. Sinh viên Nguyễn Tiến An (ĐH Khoa học Tự nhiên) cho biết: “Đối diện Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong có trạm dừng xe buýt nên mỗi ngày có hàng trăm lượt HSSV phải đi bộ qua đường để đón xe buýt. Chưa kể đây là khu vực dễ xảy ra đông xe, ùn tắc, va quẹt vì lượng HSSV qua lại rất đông. Do đó cầu vượt cho người đi bộ sẽ đảm bảo an toàn cho chúng em hơn, thay vì phải đi bộ băng ngang lòng đường như trước đây”.

Tương tự, khu vực Trường THCS Thông Tây Hội (01 đường Quang Trung, phường 11, Gò Vấp) cũng dự kiến sẽ có cầu vượt dành cho người đi bộ trong thời gian sắp tới. Hiện tại, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã triển khai đấu thầu dự án xây dựng công trình này. Việc thi công xây dựng sẽ được thực hiện ngay sau khi giải tỏa xong hệ thống đường điện. Theo thiết kế, cầu vượt bộ hành này có chiều dài 23m, rộng 4m, được xây dựng với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng. Được biết, chiếc cầu vượt này sẽ nối vỉa hè Trường THCS Thông Tây Hội với siêu thị Co.opmart Quang Trung, tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân cũng như HS được dễ dàng và an toàn hơn. Bà Huỳnh Thị Tú Trinh, ở cách Trường THCS Thông Tây Hội khoảng 300 mét cho biết, cháu nội bà đang học lớp 7 tại trường này, nên khi hay tin sắp có cầu vượt cho người đi bộ gia đình bà rất vui: “Chúng tôi mong cầu vượt sớm được xây dựng và hoàn thành, để phụ huynh an tâm khi cho con đi bộ đến trường, người dân qua lại hoặc đi siêu thị cũng thuận tiện biết bao nhiêu”.

Trên địa bàn TP.HCM, hiện có hơn chục cầu vượt bộ hành ở các địa điểm gồm Bệnh viện Từ Dũ (quận 1), Bệnh viện Bình Dân (quận 3), Bệnh viện Ung Bướu (Bình Thạnh), Văn Thánh (Bình Thạnh), Suối Tiên (Thủ Đức), Nguyễn Trãi (quận 5), Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Võ Văn Kiệt… Riêng trong năm 2017, TP đầu tư xây thêm 18 cây cầu vượt dành cho người đi bộ ở các quận 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức,…

Bên cạnh hai dự án cầu vượt bộ hành tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và THCS Thông Tây Hội, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 cũng đang xúc tiến thủ tục xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ trước cổng Trường Đại học HUTECH (475 A Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh). Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên, SV Trường Đại học HUTECH khẳng định: “Có cầu vượt qua đường là niềm mong đợi của SV trường em từ rất lâu. Vì sau giờ học có rất nhiều bạn phải băng qua lòng đường rộng lớn để đón xe buýt ở nhà chờ bên kia đường, mà con đường này rất đông phương tiện qua lại nên rất nguy hiểm”. Trải nghiệm được niềm vui này, các SV Trường ĐH Kinh tế - Luật (thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức) đã rất vui mừng khi chiếc cầu vượt bộ hành trước cổng trường mình đã được đưa vào sử dụng vào ngày 2-10 vừa qua. Đây là khu vực mà những SV lưu thông bằng xe buýt hàng ngày phải đối diện với nguy cơ va chạm với các phương tiện, nhất là xe container, xe khách lưu thông trên đường quốc lộ với mật độ cao.

Góp phần giảm TNGT bộ hành

Thống kê của Ban ATGT TP.HCM cho thấy, mỗi năm thành phố có khoảng 100 trường hợp tử vong do TNGT bộ hành. Ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP) khuyến cáo, nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT là do người đi bộ đi không đúng nơi quy định, đặc biệt là ở những nơi có cầu vượt bộ hành, vạch qua đường, hoặc cũng có những trường hợp trèo qua giải phân cách dẫn đến những vụ TNGT hết sức thương tâm. Do đó, xây dựng cầu vượt bộ hành là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo ATGT cho HSSV và người dân. Để thu hút người sử dụng cầu vượt bộ hành, Ban ATGT TP đề nghị các đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng cầu vượt khi qua đường, đồng thời kiểm tra nhắc nhở, xử lý nghiêm minh các hành vi lấn chiếm lòng lề đường gây ảnh hưởng đến khu vực lên xuống cầu của người đi bộ.

Tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và mật độ dân cư tăng cao, việc đầu tư các công trình dành cho người đi bộ băng qua đường ở TP.HCM là rất cần thiết, nhằm kéo giảm TNGT cho người đi bộ băng ngang qua đường. Tuy nhiên, để cầu vượt bộ hành thật sự phát huy được hiệu quả của nó, cơ quan chức năng cần có những giải pháp quản lý chặt chẽ, duy tu kịp thời nhằm tạo môi trường an toàn cho người đi bộ. Theo đó, ở mỗi cây cầu cần có bảng hướng dẫn, cấm tụ tập buôn bán hàng rong, cấm xả rác, tiêm chích; tạo mái che cho cầu; giữ cầu thông thoáng, sạch sẽ, an ninh… Nhằm thu hút người dân sử dụng cầu vượt bộ hành trên địa bàn thành phố, ông Ngô Hải Đường Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TP) cho biết, Sở GTVT sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung mái che, sơn lại cầu, cải tạo sửa chữa các bậc thang lên xuống thuận tiện hơn cũng như bổ sung các công trình tiện ích khác.

Vũ Phương