Thứ ba, 26/12/2017, 22h22

Trái tim dành cho học sinh khiếm thính

Cô đến với những học trò khiếm thính trong ngôi nhà chung của Trường Chuyên biệt Tương lai Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng bởi một sự tình cờ, nhưng lại gắn bó với những mảnh đời kém may ấy bằng cả trái tim yêu thương và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cô bảo, cuộc đời sẽ vẹn tròn nếu mình đặt nó dưới góc nhìn tin yêu và chia sẻ. Đó là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu, GV nhà trường.

Một tiết học ở lớp khiếm thính của cô Nguyễn Thị Hồng Thu

Nghề chọn người

Cô Thu bấm đốt ngón tay, thoắt cái đã 16 năm rời giảng đường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, gắn bó với nghề giáo, hàng ngày buồn vui với những gương mặt trẻ thơ. “Gần 14 năm nay, mình đứng lớp khiếm thính. Âu đó cũng là cái duyên nghề!”. Cái duyên ấy đến với cô Thu ngay từ những ngày còn là SV Trường ĐHSP, sau những buổi đi thực tập về nhóm bạn của cô thường hẹn nhau ở quán cà phê đối diện Trường Chuyên biệt Tương lai để trao đổi về những trang giáo án đầu tiên, cô nhìn thấy những em thơ níu cánh cổng trường nhìn ra với nụ cười tươi tắn, dễ thương. Thế là thương thầm con trẻ! Rồi năm 2004, khi đang công tác tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu), cô nhận được thông báo kêu gọi giáo viên trẻ tình nguyện đầu quân về Trường Chuyên biệt Tương lai. Vốn có cảm tình với những đứa trẻ nơi ấy từ trước, cô quyết định về trường. “Ngày đó, nhiều đồng nghiệp khuyên tôi ở lại trường đang công tác vì lo môi trường mới vất vả. Người thân cũng lo lắng. Cuối cùng mình hỏi ý kiến ba. Ba ngẫm nghĩ lúc lâu rồi nói: “Niềm vui do mình tự tạo ra. Ở vị trí nào miễn mình thấy yêu thương thì sẽ thấy vui!”. Thế là mình quyết định về trường!”. 

Cô Thu còn nhớ như in lớp đầu tiên mà cô đảm nhận là lớp khuyết tật chậm. Năm 2004, đó cũng là thời điểm nhà trường chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập. Là một GV trẻ, cô năng nổ tham gia các phong trào văn nghệ. “Dạy lớp chậm nhưng mình tập văn nghệ cho lớp khiếm thính. Để làm được thì mình vừa nhờ người dàn dựng tiết mục, mỗi buổi tập lại học vài cử chỉ từ các em. Hôm nào cũng vậy, cô bày cho trò tập văn nghệ, trò bày cho cô ngôn ngữ cử chỉ. Trò vui và hào hứng mỗi lần kiểm tra… cô giáo. Cô trò cứ đổi vai để vừa học vừa nắm bắt tâm lý học trò. Cứ thế, mình gắn bó với nghề, với trẻ khiếm thính từ những buổi vừa làm cô giáo, vừa làm học trò như vậy!”.

Dạy trẻ bằng tình yêu

Cô Thu kể, ngày đó vừa vào nhận lớp ở trường này, hôm trước để chuẩn bị cho giờ thao giảng, cô đã ôn kiến thức cho trò rất kỹ. Trò vừa học vừa “dạ em hiểu rồi” rất nhanh. Hôm sau, cô lên lớp thật sớm để nhắc nhở các em tập trung, gợi nhắc lại bài hôm qua thì các em đã… quên sạch. Quên như cái cách người ta lạ lẫm trước một con đường mà họ chưa hề đặt chân đi qua. Đó là cú sốc đầu tiên trong nghề của cô giáo trẻ. Chưa hết, kết thúc học kỳ của năm dạy học đầu tiên, cô Thu được tin tưởng giao đảm nhiệm lớp khiếm thính thì cô gặp thêm rắc rối khác. Lớp ngày đó có một cậu học trò tăng động, cứ vài phút lại vùng chạy ra ngoài. Cô ngày mấy lượt “đuổi” theo trò quanh trường. Cô kể: “Mình luôn trong tư thế sẵn sàng bỏ giày, chạy chân đất. Các đồng nghiệp ở lớp khác, chỉ cần nghe tiếng gọi của mình cũng sẵn sàng hỗ trợ. Trò khiếm thính nên chỉ còn cách mặt đối mặt mới đưa em trở lại lớp được. Thông thường chỉ cần nghĩ đến cảnh đó thôi cũng đủ bực, nhưng thương những thiệt thòi các em phải gánh chịu thì việc chăm sóc, dạy dỗ trở nên nhẹ nhàng hơn”. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Thu dành cả cuộc đời mình cho HS khiếm thính

Lớp 4D của cô Thu đang dạy học có 10 học trò, trò nhỏ nhất đúng tuổi sinh năm 2008, trò lớn đã 13 tuổi. Lớp được bố trí hình vòng cung, cô giáo ở giữa để các em có thể hiểu bài thông qua ngôn ngữ cử chỉ. Cô Thu nói, việc dạy học không chỉ bằng tay mà còn bằng nét mặt, ánh mắt biểu cảm. Năm học 2016-2017, chính cô đã cùng đồng nghiệp trong Tổ Khuyết tật thính giác đưa vào chương trình phương pháp giảng dạy song ngữ (dạy ký hiệu trước, viết sau) cho môn Tiếng Việt. Mỗi tiết dạy gồm 3 phần: ký hiệu ngôn ngữ, viết và đọc. Phương pháp ấy đã thu hút sự chú ý và tạo hứng thú cho HS, đáng mừng nhất là ký hiệu vốn từ tăng lên rõ rệt. Để học trò thành thạo hơn trong cách viết câu, cô khuyến khích phụ huynh để trò tự nhắn tin cho cô giáo trong các dịp lễ, Tết, xin phép nghỉ học. Những câu viết ngược sẽ được phụ huynh và cô giáo chỉnh sửa kịp thời để trò quen dần với tư duy logic.

14 năm gắn bó với trẻ khiếm thính, từ một giáo viên trẻ chưa qua kinh nghiệm chăm con, cô Thu luôn hoàn thành tốt vai trò một người thầy, người mẹ. Yêu trẻ và cương nhu đúng lúc, đúng mực. Cô bảo, để làm được điều đó, từ một GV được đào tạo ngành Tiểu học, kiến thức về dạy trẻ chuyên biệt còn ít ỏi, cô phải trải qua rất nhiều lớp tập huấn, tham gia khóa đào tạo văn bằng về giáo dục chuyên biệt, vừa phải tự tìm tòi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước.

Chia sẻ về công việc dạy trẻ khiếm thính, cô bộc bạch: “Lúc đầu lúng túng lắm, nhất là với trò khiếm thính thì mình nói… mình nghe. Chưa kể lớp còn có nhiều trò đa khuyết tật, tăng động… phải học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Lâu dần mình nhận ra rằng, không chỉ lời nói mà dạy học bằng cả trái tim thì các em sẽ chú ý và chăm ngoan hơn. Quả thật, với học trò khuyết tật, nếu không có trái tim yêu nghề, thương trẻ thì sẽ khó vượt qua, gắn bó lâu dài”.

Phan Vĩnh Yên