Thứ năm, 5/1/2017, 11h06

Trắng đêm canh mai Tết

Những ngày này, người trồng mai ở Sài Gòn phải chống mắt để canh giữ những chậu mai giá cả trăm triệu ngoài lề đường. Họ không dám ngủ vì sợ trộm và canh để mai nở đúng lịch khách đã đặt hàng.

Trắng đêm canh mai Tết
Đêm về, những người trông mai tụ lại nói chuyện để dứt cơn buồn ngủ.

Còn hơn ba tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng mấy ngày qua, các nhà vườn trồng mai ở TPHCM đã rục rịch chuyển những cây mai đẹp nhất ra trưng bày dọc đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức cho khách ngắm. Đây cũng là thời điểm mất ăn mất ngủ nhất của chủ vườn khi vừa phải lo chăm sóc, canh chừng cho mai nở đúng tết, vừa phải tìm cách chống trộm khi mỗi cây mai có giá cả trăm triệu đồng.

Dọc đường Phạm Văn Đồng đoạn qua khu vực quận Thủ Đức có những chiếc giường ngủ dã chiến… Mắc võng nằm vắt vẻo bên lề đường, gương mặt bơ phờ vì thức trắng suốt nhiều đêm để trông mai, anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, anh nhận trông mai thuê cho chủ vườn với thù lao mỗi đêm 200 nghìn đồng. 

Anh Tuấn làm nghề trông mai thuê dịp tết đã nhiều năm nên cứ đến mùa là chủ vườn tự động gọi thuê. “Mấy năm trước một đêm có 150 nghìn, năm nay lên được 200. Đi làm ăn xa đồng lương eo hẹp nên cứ đến mùa tết là tôi đi trông mai thuê kiếm thêm ít tiền về quê. Năm nay mai ra đường sớm hơn cả chục ngày nên chắc cũng được một khoản khá khá”, anh Tuấn nói.

Để lấy được 200 nghìn đồng của chủ vườn mai cũng không phải dễ bởi người trông phải thức trắng đêm, nếu để trộm hay gãy cành, đổ cây là phải bồi thường. Năm trước anh mất công trông cả mùa cho chủ vườn mà không có đồng lương nào do làm mất ba cây mai trong chậu, mỗi cây giá hơn 3 triệu đồng. “Làm nghề này cả đêm không được phép chợp mắt, chỉ cần sểnh ra là trộm đến bê cả cây lẫn chậu. Nhiều hôm buồn ngủ quá, tôi phải cắn ớt, tự tát bôm bốp vào mặt để khỏi ngủ gục. Mắc võng nằm đu đeo giữa hai hàng mai nhưng hễ nghe tiếng xe, tiếng gió là giật mình giữa đêm”, anh Tuấn bảo.

Trải tấm chiếu dưới nền đất, mắc mùng nằm co ro bên lề đường và cứ nghe tiếng xe máy dừng gần đó, anh Lê Văn Tân (34 tuổi, quê Quảng Trị) đã bật người dậy. Vườn mai nơi anh Tân trông nằm cách biệt với những vườn khác, vắng người nên nguy cơ bị trộm rất cao. Tối nào anh cũng phải thức canh chừng. 

Anh phải lấy dây dù buộc chặt, liên kết nhiều cây vào với nhau. Có cây anh phải đóng cọc cột chặt xuống đất để chống trộm. “Chỉ cần hở ra một tí là trộm viếng thăm liền”- anh nói. Theo anh Tân, thời điểm từ 2h-3h sáng, trộm đến giả vờ xem mai rồi thấy người trông mất cảnh giác là ôm cả cây lẫn chậu chạy mất.

Có vườn mai gần cả ngàn gốc trong đó đa số mai có giá cả trăm triệu đồng mỗi cây nên khi đưa ra đường trưng bày, anh Nguyễn Chí Công chủ vườn mai Chí Công tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức như ngồi trên lửa. Năm nay, anh Công trưng bày mai ở hai địa điểm, để đảm bảo an toàn, anh phải thuê mỗi nơi hai người trông mai.

Tuy vậy, hàng ngày anh vẫn phải chạy đôn chạy đáo để kiểm tra và theo dõi sự phát triển của mai. “Để có cây mai mang ra trưng bày, người trồng phải bỏ công chăm sóc, theo dõi cả năm trời”- anh Công nói. Đặc biệt thời điểm trước tết vài tháng, hễ thời tiết thay đổi là người trồng mai lại nơm nớp lo mai nở sớm...

Thương trường khốc liệt

Không chỉ lo trộm cắp, đối phó với sự biến đổi của thời tiết mà thời điểm này, những người trồng mai bước vào “cuộc chiến” tranh giành địa bàn, giành khách. Để có mặt bằng đẹp trưng bày mai, nhiều người bỏ ra số tiền lớn để “cướp” địa bàn của người đã thuê nhiều năm liền. Bên cạnh đó, chuyện nhiều “đại gia” mai mới nổi bỏ tiền ra thu mua mai đẹp về vườn mình cũng khiến nhiều chủ vườn mai khác điêu đứng.

Chỉ tay về hướng mặt tiền nằm tại vòng xoay chùa An Lạc, quận Thủ Đức vừa bị chủ vườn khác “cướp” mất, anh Công cho biết, đó là hai điểm anh đặt hàng trưng bày suốt nhiều năm trước. Tuy nhiên, năm nay chủ vườn khác đến trả tiền thuê mặt bằng với giá cao. Anh chỉ còn lại một điểm nằm giữa hai địa điểm vừa bị “cướp”. “Đó là nơi tôi thuê nhiều năm qua rồi. Cứ tưởng năm nay cũng như mấy năm trước nên không để ý. Ai ngờ chủ vườn khác qua “phá giá”, trả tiền thuê mặt bằng cao hơn nên mất mặt bằng”, anh Công nói.

Bị “người mới” tới “cướp” mặt bằng đẹp, anh Công không tìm cách lấy lại mà chạy đi kiếm chỗ mới. Với anh, mặt bằng trưng bày mai không phải là tất cả, điều quan trọng nhất là uy tín của chủ vườn. Người mua mai của anh đa số là khách quen, khi họ đến vị trí cũ mà không phải nơi anh bán thì sẽ tìm cách liên lạc hoặc vào thẳng vườn để lựa mai. Anh nói: “Hiện nay tôi đang thuê người lặt lá một số cây để chuyển ra Hà Nội cho khách. Những người đặt mai sớm là khách quen, đến tận vườn lựa từ sớm chứ không đợi mai ra đường mới xem”.

Ông Phạm Văn Lợi (chủ vườn mai quận 12) cũng ngủ không yên mỗi khi năm hết tết đến. Năm ngoái trộm vào vườn ông nhổ mất hơn chục cây mai giá hàng chục triệu đồng. Trong đó có cây do khách gửi chăm sóc, gặp đúng người khách khó tính không chịu nhận tiền đền, bắt ông kiếm bằng được cây giống như cây cũ. 

Ông phải lặn lội đến các vườn mai khắp Sài Gòn để kiếm về đền và biếu thêm một cây khác để giữ mối. “Để có gốc mai to bằng cổ chân cũng mất ít nhất ba năm chăm sóc, chưa nói đến gốc cổ thụ. Tốn biết bao nhiêu công sức lo lắng, chăm sóc cả năm trời, vì vậy nhà vườn coi mai như con nên mất cây nào là tiếc đứt ruột chứ chẳng chơi”, ông Lợi nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ vườn mai tại đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết để có vườn mai gốc lớn, gia đình chị phải gom góp gần 20 năm qua. Thế nhưng, thời gian gần đây xuất hiện một số “đại gia mai” chuyên đi đến các vườn mai để lựa mua cây mai đẹp nhất, đắt nhất đem về vườn mình trưng bày.

Mới cách đây hai ngày, đại gia ở quận 12 qua vườn tôi chọn một cây đẹp nhất mua với giá mấy trăm triệu đem về vườn. Ông này còn đi khắp các nhà vườn ở Sài Gòn, cứ cây nào to nhất, đắt nhất vườn là mua về. Giờ có lẽ vườn của ông ấy có giá đắt nhất dù không mất công chăm sóc.

Theo chị Hạnh, để chăm sóc được một cây mai nở đúng mùa tết là cả một quá trình dãi nắng, dầm sương. Thế nhưng, trồng mai như “đánh cược với trời”, khi nắng mưa thất thường, triều cường, vỡ đê thì khốn khổ nhà vườn… mà trộm cướp, cạnh tranh cũng khiến người trồng mai mệt mỏi.

Ngô Bình (TPO)