Thứ sáu, 29/4/2016, 21h53

Tránh bất cẩn trong trường học

Những thông tin về tiểu sử các anh hùng của dân tộc cần phải chính xác, rõ ràng. Trong ảnh: Học sinh đang xem thông tin về tiểu sử Hai Bà Trưng. Ảnh: T.V.T

Nhiều người hết sức ngỡ ngàng khi được biết thông tin về một trường học ở Đồng Tháp dùng ảnh một tử tù khi giới thiệu về Anh hùng Lê Văn Tám.

Chúng ta có thể nghe những lời giải thích kiểu như sơ suất, chủ quan, lấy qua mạng internet…, nhưng thực sự chúng ta có thể phải thốt lên là bất cẩn, thậm chí là cẩu thả. Khi vụ việc bị phát giác, qua rà soát, ở Đồng Tháp còn có thêm hai trường khác sử dụng ảnh của ai đó để làm chân dung cho Anh hùng Lê Văn Tám. Nếu rà kỹ hơn, rộng hơn, có thể có một số trường cũng nhầm lẫn như vậy. Thậm chí, không loại trừ có những nhân vật khác cũng bị nhầm ảnh chân dung, nhất là với những người xưa hoặc những người có rất ít hình ảnh.

Cán bộ, giáo viên trong nhà trường phải có ý thức về sự chính xác, chỉn chu và luôn chăm chút cho điều đó, đồng thời phải hết sức tránh sự bất cẩn, cẩu thả, thiếu ý thức. Chỉ khi người thầy làm được điều đó thì việc dạy dỗ cho học sinh mới thực sự tích cực và có hiệu quả.

Hoặc, liên quan đến chân dung của những người được đặt tên trường, các tượng hoặc ảnh (kể cả tranh vẽ) cũng cần được thể hiện một cách trang trọng, giàu tính thẩm mỹ. Bởi lẽ, chân dung đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với người được đặt tên trường mà còn nhằm giáo dục tình cảm, ý thức, lý tưởng và cả thẩm mỹ cho học sinh. Chẳng hạn, bức tượng Nguyễn Trãi trong ngôi trường mang tên danh nhân này không chỉ có ý nghĩa giáo dục học sinh về một anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa lớn mang tầm nhân loại mà còn gián tiếp thôi thúc các em có khao khát vươn tới những ý nghĩ và hành động lớn lao của bản thân đối với đất nước, đối với dân tộc… Thế nhưng, trên thực tế, có nơi, tượng, hình ảnh của người được đặt tên trường không được trang trọng, chăm chút một cách kỹ lưỡng. Có tượng đặt ngoài trời bị mưa nắng làm hư hỏng nhưng chậm được tôn tạo, có tượng bằng kim loại lâu ngày bị ôxy hóa làm mất nét thật của nhân vật, có ảnh bị bụi bám, mờ vết mực… nhưng chậm được thay thế. Những điều đó đều ảnh hưởng không tốt đến ý nghĩa giáo dục.

Từ sự việc trên, có thể thấy rằng trong trường học phải hết sức tránh những bất cẩn, đặc biệt là những bất cẩn liên quan đến việc giáo dục, sự phát triển về nhận thức, tình cảm, tư cách của học sinh. Chẳng hạn, việc giới thiệu về nhân vật được đặt tên trường cần được thể hiện một cách chính xác, nghiêm túc, nếu cần thiết thì phải ghi nguồn trích dẫn. Thí dụ, với Trường Đoàn Thị Điểm, khi ghi tiểu sử nên cân nhắc chi tiết “là tác giả bản dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn”, bởi hiện nay còn có ý kiến khác nhau về việc ai mới là người dịch tác phẩm nổi tiếng này; vì vậy, nếu có ghi thì phải dẫn nguồn đáng tin cậy. Tương tự, các khẩu hiệu, danh ngôn trong nhà trường phải thực sự chính xác, được dẫn nguồn đầy đủ và được thể hiện một cách trang trọng, lịch sự; tuyệt đối tránh gây hiểu lầm (nhất là khi bị bong tróc, mất chữ). Thí dụ, có ghi khẩu hiệu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” thì phải ghi rõ tác giả là Bác Hồ; hay ghi câu “Học, học nữa, học mãi” thì phải ghi người nói là Lênin…

Bên cạnh đó, việc sử dụng các bản đồ cũng phải hết sức lưu ý. Hiện có một số trường còn sử dụng bản đồ Việt Nam cũ với 64 tỉnh/thành, dù việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 63 tỉnh/thành đã được thực hiện từ năm 2008 khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Các bản đồ phải ghi rõ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với những chú thích cần thiết. Tương tự như vậy, các bản đồ về khoáng sản, tài nguyên, địa hình, vùng kinh tế… cũng cần được cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, những hình ảnh, tranh vẽ, vật trang trí… đều hết sức chú ý tính chính xác, tính thẩm mỹ, tính giáo dục và phù hợp với vùng miền. Đơn giản nhất vẫn là phải được thể hiện đúng chính tả, ngữ pháp, sau đó là đúng tính chất, đúng ý nghĩa. Thí dụ, tranh trang trí trên tường ở một trường học trong Nam mà giới thiệu làng nghề đúc đồng ở miền Bắc thì có thể không tạo sự quan tâm, hứng thú của học sinh. Hay việc ghi lại các câu thơ, câu văn, ca dao… nhằm giáo dục, định hướng một nội dung nào đó thì cần phải chính xác, ít gây nhiều cách hiểu và nhất là không được gây hiểu lầm.

ThS. Nguyễn Minh Hải