Thứ tư, 28/10/2015, 10h22

Trẻ chậm nói ngày càng nhiều

Chị Huệ đang tập nói cho bé Thu Trang

Trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ... ngày càng khá nhiều. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ khi không được khám phát hiện, can thiệp kịp thời.

Đến tuổi vẫn chưa chịu nói

Đã 31 tháng tuổi, bé Thu Trang (quận 12, TP.HCM) chỉ chịu nói những từ đơn giản như bà ơi, ông ơi, ạ, dạ, yêu… khi có người lớn ngồi bên dạy và ép nói. Nếu muốn lấy thứ gì, bé Trang dắt tay mẹ, người thân đến tận nơi, chỉ vào mà không nói. Trước tình trạng của con gái, chị Huệ đã xin nghỉ hẳn công việc công ty ở nhà nói chuyện, chăm sóc bé.

Chị Huệ (mẹ của bé Thu Trang) tâm sự, “thông thường những đứa trẻ khác lớn 15 tháng, 20 tháng là nói sõi các từ đơn, thậm chí cụm từ đơn giản mà con mình chỉ bập bẹ vài từ. Cứ phải có đồ chơi dụ dỗ hoặc thúc ép cháu mới chịu nói, sau đó lại lủi thủi với đồ chơi. Ban đầu tôi cứ nghĩ đây chỉ là vấn đề bình thường, tuy nhiên qua thời gian để ý, tôi thấy vốn từ của bé không khá lên và rất lười nói”.

Lớn hơn bé Trang 4 tuổi, nhưng Bảo (học lớp 1 ở quận Tân Bình) lại phát âm một số từ chưa được rõ, khi nói thường sai trật tự từ và cũng phải có sự thúc giục của người lớn, Bảo mới chịu nói. Theo đó, kết quả bộ môn tiếng Việt trên lớp bị ảnh hưởng nhiều mặc dù năng lực học các bộ môn khác hoàn toàn bình thường, riêng môn tiếng Anh Bảo học rất tốt.

“Thúc giục, gợi hỏi liên tục mà cháu nó vẫn không chịu nói. Cả hơn năm nay, tôi nghỉ hẳn công việc, chỉ để ở nhà nói chuyện, dạy cháu nói nhưng năng lực nói một số âm vẫn không rõ, câu cú thì luôn bị sai trật tự. Không biết cháu có bị tự kỷ hay bị chứng bệnh gì đó không”, chị Hà, mẹ Bảo tỏ ra lo lắng.

Theo chị Hà, tính tình của Bảo hơi lì, khó bảo. Lớn đến 3 tuổi Bảo mới bắt đầu tập nói những từ đơn như ông, bà, ba, mẹ, dạ… nhưng không rõ âm. Tìm hiểu qua sách, báo, internet cho thấy nguyên nhân có thể do trẻ thiếu môi trường giao tiếp nên chị thuê hẳn sinh viên về chỉ để nói chuyện, giao tiếp với Bảo. Tuy nhiên kết quả không khả quan, trái lại sau khoảng 1 năm, gia sư đã tự xin nghỉ vì bị Bảo thường xuyên bắt nạt.

Nên đưa trẻ đi khám ngay nếu chậm nói

Bà Nguyễn Quí Quỳnh, chuyên viên tâm lý lâm sàng, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, tình trạng trẻ chậm nói hiện nay không ít. Một ngày, tính riêng phòng khám của bà Quỳnh tiếp nhận từ 12-13 ca trẻ ở tuổi mầm non, tiểu học đến khám thì chậm nói chiếm đến 60%, còn lại là học chậm, thiếu tập trung, tăng động,  tâm lý vị thành niên...

“Có nhiều dạng chậm nói. Chậm nói bình thường là do trẻ thiếu môi trường giao tiếp. Nguyên nhân do cha mẹ ít giao tiếp với con cái, thường cho con sử dụng phương tiện công nghệ dỗ dành để có thời gian làm việc khác. Nhiều trường hợp trẻ quấy, khóc dùng hành động thể hiện mong muốn có đồ chơi hoặc bất kỳ điều gì, cha mẹ đáp ứng ngay mà không cần yêu cầu con phải nói ra… khiến trẻ lười nói. Và dạng chậm nói do các tật bẩm sinh thì nguyên nhân thuộc về yếu tố sinh học. Trong 60% trường hợp chậm nói trên, chiếm đến 40% chậm nói do tự kỷ”, bà Quí Quỳnh cho biết.

Về vấn đề này, theo thông tin từ chuyên gia Võ Thị Minh Huệ, công tác tại Phòng khám nhi đồng thành phố, trẻ chậm nói hiện nay đang trong tình trạng báo động. Mỗi tuần bà Minh Huệ chỉ làm việc tại phòng khám 2 ngày, nhưng mỗi ngày có rất nhiều lượt trẻ đến khám. Trong số đó, phân nửa trẻ khám với lí do ban đầu là chậm nói.

Tuy nhiên, bà Minh Huệ nhấn mạnh, phụ huynh chưa có sự chủ động đưa con đi khám. Nhiều đứa trẻ đến khám là do cô giáo phàn nàn về kết quả học tập, nhà trường yêu cầu đi khám. Cứ 1, 2 tháng đầu năm học, số lượng này chiếm rất nhiều. Hoặc có những phụ huynh chỉ gọi điện, trình bày vấn đề chậm nói của con, xin ý kiến tư vấn, xin lịch hẹn đưa con đến khám rồi thôi…

“Nhiều trẻ đến khám, chẩn đoán thì mới phát hiện ra chậm nói do hội chứng tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, không tập trung hoặc những vấn đề tâm lý khác. Tuy nhiên đa số các bé tuổi đã lớn. Đối với chậm nói bình thường, chỉ cần tạo được môi trường giao tiếp thì trẻ nhanh chóng khắc phục. Đối với chậm nói vì các dạng tật bẩm sinh khác, trẻ sẽ tiến bộ nhiều nếu phát hiện, can thiệp sớm. Ngược lại, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, theo đó, cuộc sống, sinh hoạt, học tập bị ảnh hưởng không nhỏ. Sự thiếu chủ động của phụ huynh sẽ khiến con mất đi nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống”, bà Minh Huệ cho biết.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Theo chuyên gia Võ Thị Minh Huệ (công tác tại Phòng khám nhi đồng thành phố, từ 12-15 tháng tuổi, trẻ bắt đầu bập bẹ các âm, từ như a, ba, da... 18 đến 20 tháng tuổi trẻ có thể nói các từ đôi như mẹ ơi, ba ơi, bà ơi... 2 tuổi trẻ sẽ nói được các cụm từ đơn giản ba đi chơi, con đi chơi … Nếu trẻ có dấu hiệu chậm nói, phụ huynh nên đưa đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân, kịp thời giúp đỡ trẻ.