Thứ ba, 18/4/2017, 21h03

Trẻ dễ bệnh vì nắng nóng

Nắng nóng khiến trẻ nhập viện tăng. Thống kê ở Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện nhi lớn nhất khu vực phía Nam cho thấy, khoảng thời gian từ cuối tháng 3, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, đa phần trẻ bị bệnh tiêu hóa và hô hấp. Cho đến nay tình trạng quá tải vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Các bệnh nhi đang được điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (ảnh chụp sáng 18-4)

Bệnh mùa nóng: Đến hẹn lại lên

Tính đến ngày 18-4, bé Trần Thị Tuyết Nhung, 3 tuổi rưỡi (ngụ huyện Cần Giuộc, Long An) đã điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 được 12 ngày. Chị Nguyễn Thị Yến Thanh (mẹ bé Nhung) cho biết, con chị nhập viện trong tình trạng bị ói nhiều, sốt cao, đau bụng quặn từng cơn, ăn uống kém và quấy khóc suốt. Sau hơn 10 ngày điều trị, bé đang chuẩn bị được xuất viện “để nhường chỗ cho những bệnh nhi khác”. Theo lời chị Thanh, tình trạng quá tải bệnh nhi nhập viện khiến phòng bệnh số 7 của Khoa Tiêu hóa nơi con chị nằm “Tuy chỉ có 6 giường, nhưng danh sách bệnh nhi luôn từ 18-20 cháu. Do đó, một số người có điều kiện đã chuyển con đến nằm phòng dịch vụ, số khác tìm chỗ nằm ở hành lang. Số bệnh nhi còn lại ở trong phòng, thì bệnh nhi nhỏ được ưu tiên nằm trên giường, còn bệnh nhi lớn thì trải chiếu nằm dưới sàn nhà”.

Không chỉ phòng 6 giường mới đông, ngay cả phòng số 8 và phòng số 9 có đến 10 giường bệnh cũng không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Cho con trai Phan Đức Anh (7 tháng tuổi) nhập viện vào sáng ngày 18-4, chị Trần Ngọc Nữ (ngụ tổ 3, ấp Thuận Tây, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, chị quyết định cho con vào Nhi đồng 1 sau khi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng (Tây Ninh) suốt một tuần nhưng không bớt. Cũng nằm điều trị ở phòng số 8 và nhập viện trước bé Anh một ngày, bé Thái Gia Bảo (4 tháng tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An) nhờ được can thiệp điều trị kịp thời nên đã không còn tình trạng đi cầu ra máu như những ngày còn điều trị tại nhà, số lần bị tiêu chảy cũng giảm rõ rệt.

Theo quan sát của chúng tôi, từ lúc sáng sớm cho đến 11 giờ 30 ngày 18-4, số lượng bệnh nhi chờ khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 1 lúc nào cũng tấp nập. Khu chờ đăng ký nhập viện cũng đông đúc, nực nội bởi tiếng trẻ con khóc, xen lẫn cảnh phụ huynh vừa bế con vừa chen chúc đứng ngồi chờ được kêu tên. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 trẻ đến khám và điều trị. So với các khoa khác, thì Khoa Tiêu hóa và Khoa Hô hấp có số lượng trẻ nhập viện cao hơn. Trong đó, Khoa Tiêu hóa tiếp nhận 150 ca/ngày, Khoa Hô hấp tiếp nhận 200 ca/ngày. Tương tự, trong tuần vừa qua, số trẻ nhập viện do bệnh đường tiêu hóa và hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tăng 20% so với trước. Riêng bệnh nhi nhập viện điều trị do bị tiêu hóa đã lên tới 150-160 trường hợp/ngày.

Cách phòng bệnh và dinh dưỡng cần thiết cho trẻ

Nhằm giúp phụ huynh biết cách phòng tránh bệnh mùa nóng cho con, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2) lưu ý, thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho một số loại siêu vi và vi khuẩn phát triển, dễ gây ra những bệnh liên quan đến hệ hô hấp và tiêu hóa ở trẻ em. Do đó, phụ huynh cần tránh việc bao bọc con kỹ lưỡng để con không bị rôm sảy, nhiễm trùng da. Đồng thời hạn chế cho trẻ ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh. Chẳng hạn như không nên cho trẻ ra ngoài trời nóng trên 30°C, trái lại không để trẻ ra vào phòng điều hòa liên tục nhằm tránh việc trẻ bị sốc nhiệt. Khi trẻ ngủ, không nên để điều hòa hoặc quạt máy phả hơi trực tiếp vào người trẻ.

Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi đồng 1) lưu ý, mùa nắng nóng là thời điểm dễ gây nên bệnh tiêu chảy hoặc tiêu chảy cấp ở cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy vào mùa nắng nóng có thể do sữa hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là vi khuẩn thương hàn (salmonella), vi khuẩn lỵ (shigella), vi khuẩn E.coli và đặc biệt là vi khuẩn tả (vibrio cholerae) gây bệnh tiêu chảy cấp tính nặng, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi thấy trẻ có các dấu hiệu bị tiêu chảy cấp như bài tiết ra phân nhanh, lỏng, có khi toàn nước, lẫn máu, mùi tanh… đi ngoài nhiều lần trong một ngày đêm, thì phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện kịp thời.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2) khuyến cáo, vấn đề dinh dưỡng hợp lý cũng là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa nắng nóng. Theo đó, phụ huynh nên hạn chế sử dụng thức ăn nhiều đường, trái cây quá ngọt, cũng như thức ăn quá béo gây dư năng lượng sẽ mệt mỏi hơn, nên hạn chế các món chiên xào, nhiều gia vị gây kích thích khó chịu. Tuy nhiên, vẫn nên duy trì sữa và các chế phẩm sữa cho trẻ, vừa cung cấp nước, vitamin, chất khoáng cần thiết, vừa giúp trẻ duy trì tốc độ tăng trưởng, có thể chế biến thành nhiều món ăn mát, hấp dẫn để trẻ cảm thấy thú vị hơn, ví dụ yaourt trái cây, sinh tố...

Bài, ảnh: Vũ Phương