Thứ hai, 16/7/2012, 14h07

Trẻ đi bơi: Coi chừng “rước” bệnh vào người

Hồ bơi kém vệ sinh rất dễ “rước” bệnh về cho trẻ. Ảnh: Duy England

Mùa hè nắng nóng, trẻ rất thích được đến hồ bơi để vẫy vùng cho thỏa thích. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần phải thận trọng bởi hồ bơi là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật cho trẻ.
Không nên chủ quan
Nghỉ hè, chị Kim Loan (quận 3 - TP.HCM) thường xuyên chở con trai 8 tuổi đến hồ bơi tắm. Hôm nào bơi xong, chị cũng chuẩn bị sẵn tăm bông vệ sinh tai cho con thật khô. Nhưng được hơn một tuần, con chị bắt đầu kêu đau bên trong tai, cứ nghĩ do có con gì đó chui vào cắn nên chị soi đèn xem thì thấy tai chảy nước màu vàng, có mùi hôi. Chị vội vàng đưa con đi khám BS mới  biết con trai bị viêm tai giữa do vi khuẩn trong nước xâm nhập. Tương tự, thấy đứa con gái 6 tuổi của mình bị hắt hơi, sổ mũi liên tục sau khi tắm ở bể bơi về, anh Lê Khôi (quận Bình Tân - TP.HCM) liền đi mua thuốc cho con uống nhưng không khỏi. Hôm sau, anh đưa con đến Bệnh viện Tai mũi họng khám mới tá hỏa vì con đã mắc bệnh viêm mũi dị ứng. Chị Hằng Nga (quận 8 - TP.HCM) lo lắng: “Tôi cho con gái 4  tuổi đi bơi và bị nước hồ bơi văng vào mũi, miệng. Hôm sau, tôi thấy mũi cháu bị sung huyết hai bên cánh mũi đồng thời bị sốt, ho. Đi khám bệnh được BS kê toa thuốc uống nhưng không thấy con bớt, vẫn ho nhiều. Chẳng lẽ nước hồ bơi lại nguy hiểm như vây?”.
 BS. Nguyễn Văn Tiến (Chuyên khoa Tai mũi họng - Bệnh viện 175) cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe khi tham gia bơi lội thì phụ huynh nên cho trẻ đi khám BS để quyết định trẻ có thể tham gia hoạt động bơi lội được không. Học bơi tốt nhất là khi trẻ tròn sáu tuổi. Nên chọn hồ bơi đạt tiêu chuẩn chất lượng, có uy tín để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và nguồn nước dùng”.
Các bệnh thường gặp khi đi bơi
Cũng theo BS. Tiến thì ẩn sau làn nước xanh ngắt ở các hồ bơi công cộng là rất nhiều tác nhân có hại cho sức khỏe của trẻ như rong rêu, nấm mốc, vi khuẩn, các loại kem chống nắng, kem tạo màu da, mồ hôi... Các tác nhân này dễ dàng thâm nhập vào cơ thể trẻ gây ra nhiều loại bệnh.
Mỗi ngày, hồ bơi đón hàng trăm lượt khách, hầu như bể bơi nào cũng bị quá tải và tất nhiên, sẽ không thể nói tới sự vệ sinh sạch sẽ của nước hồ bơi. Vì thế khi đi bơi, nước tràn vào mắt trẻ có thể kèm theo các vi khuẩn gây bệnh về mắt, trong đó viêm kết mạc là phổ biến nhất. Bệnh này nếu không chữa trị dứt điểm dễ dẫn đến rối loạn thị giác. Để phòng bệnh, khi đi bơi, nên đeo kính bảo vệ cho trẻ, sau khi bơi cần nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý Nacl 9,0%.
Khi đi bơi, nhất là ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nó bị đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm tai ngoài. Bệnh này nếu không được chăm sóc, chữa trị tốt có thể gây thủng tai trong và gây xáo trộn thính giác kéo dài. Vì thế, để phòng tránh bệnh viêm tai cho trẻ khi bơi, phụ huynh cần chú ý chọn những nơi nước tương đối sạch, nên trang bị mũ và nút tai dành cho trẻ. Sau khi tắm hay bơi lội dưới nước, nhỏ các dung dịch sát khuẩn nhẹ vào tai. Hồ bơi là nơi các trẻ tập trung mật độ cao, nếu tiếp xúc trực tiếp thì nguy cơ lây nhiễm cao hơn, virus tay chân miệng có thể nhiễm vào nước rồi đi vào miệng trẻ.
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người trong việc phòng bệnh cho cộng đồng. Vì thế, trẻ đang bị mắc các bệnh như viêm kết mạc, ghẻ lở, hắc lào, tay chân miệng… thì tốt nhất không nên đưa đến hồ bơi để phòng lây bệnh cho trẻ khác…” - BS. Tiến khuyến cáo.
PHỤNG DIỄM