Thứ tư, 25/7/2012, 16h07

Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

3 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nằm một giường (ảnh chụp sáng 23-7 tại BV Nhi đồng 1)

Những ngày này, thời tiết thay đổi bất thường khiến cho số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày, hai bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, 2 tiếp nhận từ 400-500 trường hợp đến khám và điều trị…
Ngày 23-7, có mặt tại Khoa Hô hấp BVNhi đồng 1, chúng tôi đã chứng kiến cảnh các ông bố, bà mẹ chen chúc để khám bệnh cho con.
Nhập viện vì… nằm máy lạnh
Vừa đút cháo cho con ăn, chị Thục (Q.11) vừa nói: “Có thể chiều nay hoặc sáng mai, con tôi sẽ được xuất viện. Cháu nằm viện 4 ngày nay rồi”.
Trước đó, sáng 18-7, sau khi ngủ dậy, cu Bin (2 tuổi) có vẻ lờ đờ, không nô đùa như mọi ngày, chị Thục sờ trán thì thấy con hâm hấp nóng. Đến trưa, bé bắt đầu ho rồi sổ mũi, không chịu ăn, không chịu bú. Buổi tối cùng ngày, chị đưa con đi khám ở phòng mạch tư, BS nói bé bị bệnh hô hấp và cho thuốc về nhà uống. Sáng hôm sau, bé có triệu chứng khò khè, thở rất khó khăn. Thấy vậy, chị vội đưa con tới BV Nhi đồng 1. Qua thăm khám, các BS cho biết bé bị viêm tiểu phế quản và cho nhập viện.
Nguyên nhân cu Bin bị bệnh là do bé có thói quen ngủ trong phòng máy lạnh. “Bất kể trời nóng hay lạnh, nếu không bật máy lạnh là bé không chịu ngủ. Trước khi bé bị bệnh, mấy đêm liên tiếp đêm nào cũng mưa. Thông thường thì nửa đêm tôi hay thức dậy mặc thêm áo ấm và đắp mền cho bé. Nhưng tối hôm đó mệt quá nên ngủ tới sáng. Ai dè, sáng hôm sau bé bệnh liền”, chị Thục kể lại.
Bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà
Bệnh viêm tiểu phế quản là do nhiễm virus hô hấp hợp bào, xảy ra vào lúc giao mùa hoặc vào mùa lạnh. Bệnh xảy ra nhiều ở nhóm trẻ từ 2 tuổi trở xuống. Thông thường, trẻ mắc bệnh từ  5-7 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách và kịp thời rất dễ dẫn đến suy hô hấp nặng.

Không có giường, nhiều bệnh nhi phải chen chúc nằm ngoài hành lang (ảnh chụp tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 23-7)

BS. Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 cho biết: “Khi trẻ bị bệnh có thể điều trị ngoại trú (tại nhà) bằng cách cho uống nước thường xuyên, nằm đầu cao khoảng 450, cho ăn nhiều lần nhưng mỗi lần cho ăn ít. Đặc biệt, phải điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải sao cho không quá khô hoặc lạnh. Nếu trẻ sốt thì cho uống paracetamol. Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc chống ho khi trẻ có nhiều đàm, nên vỗ lưng nhẹ khuyến khích trẻ ho để tống đàm ra, không cho trẻ uống kháng sinh. Mỗi khi chăm sóc trẻ, người lớn phải rửa tay sạch. Đưa trẻ đến BV ngay khi có các triệu chứng như sốt cao, thở nhanh hoặc khó thở, da tím tái, bỏ ăn - bỏ bú, nôn ói nhiều”.
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em. Bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà, bằng cách: Cho trẻ ăn uống bình thường, không kiêng cữ. Lưu ý, trước khi cho trẻ ăn phải thông mũi bằng nước muối sinh lý nhỏ mũi. Cho trẻ uống đủ nước để tránh thiếu nước do thở nhanh và sốt. Ngoài ra, nước còn có tác dụng long đàm nhớt. Đặc biệt, khi trẻ có một trong các dấu hiệu như mệt hơn, thở nhanh hơn, khó thở hơn, co rút lồng ngực, ăn uống kém thì cần đưa ngay tới cơ sở y tế. Bởi viêm phổi là một trong các tác nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Để phòng các bệnh về đường hô hấp, BS. Trần Anh Tuấn khuyến cáo: “Với thời tiết lúc nắng, lúc mưa như hiện nay, người lớn cần chăm sóc trẻ kỹ hơn. Khi trời nắng nóng cho trẻ mặc quần áo thoáng mát tránh ra nhiều mồ hôi, khi thời tiết trở lạnh phải mặc áo ấm. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên cho trẻ để phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Cho trẻ ăn uống nhiều loại trái cây để tăng sức đề kháng. Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người lớn đang mắc bệnh cảm, ho thông thường để tránh bị lây bệnh”.
Bài, ảnh: Hòa Triều