Thứ hai, 22/2/2010, 14h02

Trẻ mắc bệnh tự kỷ: Nỗi lo của phụ huynh

Phát hiện và điều trị sớm bệnh tự kỷ ở trẻ là điều mà cha mẹ nên quan tâm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T

Những trẻ em với triệu chứng chậm nói, thích chơi một mình, không nhìn thẳng vào mắt người khác, không đáp ứng với tên gọi và có những hành vi rập khuôn… Đó là những biểu hiện của trẻ bị mắc bệnh tự kỷ. Phụ huynh thường gặp nhiều khó khăn với một trẻ tự kỷ. Hiện nay, điều trị sớm có thể cải thiện được chức năng giáo dục và xã hội của trẻ tự kỷ.
Dấu hiệu của trẻ bệnh tự kỷ
Phụ huynh thường nghi ngờ con có hành vi bất thường khi trẻ khoảng 1 tuổi với những triệu chứng như: Chậm phát triển ngôn ngữ và xã hội; trẻ có vẻ sống trong “thế giới riêng tư”. Trẻ kém tiếp xúc mắt và không đáp ứng khi được gọi tên. Lúc đầu, phụ huynh có thể nghĩ là trẻ có vấn đề về thính lực. Ngoài ra, trẻ không dùng ngón trỏ để chỉ các đồ vật trẻ cần hoặc quan tâm và không nói từ đơn như gọi: ba, mẹ lúc 1 tuổi. Tuy nhiên, có một số ít trẻ nói được và có triệu chứng nhẹ hơn, được gọi là trẻ có hội chứng Asperger.
Hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại: trẻ có thể thích đu đưa và thay vì biết chơi giả bộ (như đút cho búp bê hoặc gấu bông uống sữa chẳng hạn, thì trẻ thích xếp đồ chơi (như xe ô-tô) thành hàng dài thật ngay ngắn. Trẻ tự kỷ thường khó thay đổi thói quen hàng ngày, như chỉ thích ăn vài loại thức ăn, từ nhà đến trường qua con đường quen thuộc. Nếu thay đổi thói quen, thì trẻ dễ nổi cáu, la hét để phản đối.
Giảm trí thông minh: các khó khăn giao tiếp và xã hội làm cho trẻ khó theo học trong các trường bình thường. Trẻ tự kỷ thường tập trung vào các chi tiết nhỏ (như quan tâm đến bánh xe thay vì toàn xe ô-tô) và dễ bỏ quên “bức tranh to lớn”. Tuy nhiên, một số trẻ tự kỷ có biệt tài như vẽ tranh, thuộc lòng một số nhãn hiệu xe, đếm số giỏi, tự biết đọc rất sớm, chơi một nhạc cụ sau khi nghe tiếng đàn.
Nguyên nhân dẫn đến tự kỷ
Thực tế hiện nay chưa ai tìm ra nguyên nhân của tự kỷ, mặc dù trên thế giới các nhà nghiên cứu khoa học đang miệt mài tìm kiếm. Có những yếu tố góp phần trong rối loạn tự kỷ như yếu tố di truyền hoặc một số tổn thương não. Tuy nhiên, tự kỷ không do lỗi của cha mẹ thiếu chăm sóc hoặc do phản ứng vắc-xin tiêm chủng.
Trẻ tự kỷ cần có chương trình giáo dục đặc biệt để giúp trẻ phát triển tối ưu kỹ năng hành vi, xã hội và trí tuệ. Chẩn đoán và điều trị trễ (sau 3 tuổi) có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, theo các thống kê, 50% trẻ tự kỷ có thể không bao giờ biết nói và cần được giáo dục cách giao tiếp không qua lời nói và khoảng 80% trẻ tự kỷ kèm theo chậm phát triển trí tuệ.
Điều trị trẻ tự kỷ như thế nào?
Hiện nay, chưa có thuốc để chữa lành rối loạn tự kỷ. Sau khi được chuyên viên tâm lý hoặc tâm thần chẩn đoán, thì việc chữa trị càng sớm thì càng đem lại kết quả khả quan trong việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.
- Giáo dục đặc biệt luôn cần thiết cho dù trẻ có thể nói bình thường. Chương trình can thiệp sớm cần được tiến hành ngay trước 3 tuổi. Tại Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chương trình này được liên tục tổ chức mỗi 3 tháng để giúp phụ huynh biết cách giúp trẻ cải tiến về kỹ năng giao tiếp. Chương trình của năm 2010 bắt đầu từ ngày 12-1-2010 với những kiến thức lý thuyết kèm theo các buổi thực hành do chuyên viên tâm lý và giáo viên đặc biệt hướng dẫn cho các phụ huynh.
- Các loại điều trị khác có thể hữu ích tùy từng tình huống:
Tâm lý trị liệu trong trường hợp trẻ tự kỷ ở tuổi vị thành niên có mức độ trí tuệ cao nhưng kém kỹ năng xã hội.
Thuốc điều trị một số rối loạn tâm thần kèm theo như trầm cảm, tăng động kém tập trung, rối loạn ám ảnh cưỡng bức.
Những phương pháp trị liệu không có chứng cớ khoa học: thuốc bổ, kiêng sữa, oxy cao áp, châm cứu, giúp trẻ nói bằng máy kích thích phát âm. Phụ huynh cần bình tĩnh và cảnh giác cao về những quảng cáo điều trị tự kỷ và nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tự kỷ tại các bệnh viện nhi có chuyên khoa tâm lý và tâm thần.
BS. PHẠM NGỌC THANH (BV Nhi Đồng 1)