Thứ hai, 1/10/2012, 15h10

Trẻ sinh non dễ bị thoát vị bẹn

Một ca phẫu thuật thoát vị bẹn. Ảnh: TH.LÊ

Khi phát hiện con có dị tật tinh hoàn ẩn, lạc chỗ và sưng đau ở vùng bẹn, nhất là những trẻ sinh thiếu tháng thì cha mẹ nên đưa con đi khám và chữa trị kịp thời vì có thể cháu đã bị thoát vị bẹn - một căn bệnh phổ biến ở các bé trai.
Hai phương pháp điều trị
Đầu năm 2012, trong thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp thì Phan Văn Th. - sinh viên Trường CĐ Nghề Hà Tĩnh bị đau vùng bẹn ở phía bên trái, bụng chướng to hơn. Qua kết quả thăm khám tại Bệnh viện huyện Hương Khê, BS khẳng định Th. bị thoát vị bẹn. Chị Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Yên, Hương Khê (mẹ của Th.) cho biết từ nhỏ, ngay ở phần bẹn của Th. có một khối phồng nhỏ. Khi nằm ngủ thì không thấy nhưng lúc ho, đi đứng chạy nhảy, khối phồng nổi lên một cục rất rõ. Tuy nhiên, do nó không phát triển nhiều nên vợ chồng chị cũng không để ý. Khi nhập viện, Th. không chỉ đau nhiều mà còn có các triệu chứng buồn nôn, trung tiện và đại tiện rất khó khăn. Ngay sau đó, Hội đồng chẩn đoán y khoa của bệnh viện quyết định giải phẫu trường hợp này. BS. Nguyễn Thanh Chương - Bệnh viện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết: “Thoát vị bẹn là trường hợp ruột chui vào khe ở ống bẹn để xuống bìu. Nếu ruột không quay trở lại được vùng bụng thì nguy cơ tiềm ẩn rất cao”. Cũng theo BS. Chương, thoát vị bẹn đều có chung hiện tượng căng phồng, gây đau và rất khó chịu nhất là khi cười nói và hoạt động nhiều. Đa số bệnh nhi mắc bệnh thoát vị bẹn bẩm sinh mà nguyên nhân chủ yếu là do còn tồn tại ống phúc tinh mạc. Lúc đó, tạng chui ra ở hố bẹn ngoài để xuống bìu chứa tinh hoàn. Người già lớn tuổi có cơ thành bụng quá nhão và yếu thường bị thoát vị bẹn. Nếu mức độ nhẹ ban đầu thì BS thường cho đeo băng nhằm đỡ bìu và ngăn cản không cho tạng thoát ra ngoài ổ bụng để chờ mổ. Riêng bệnh nhân lớn tuổi, già yếu suy tim mạch thì cho đeo băng liên tục để tránh thoát vị và tránh nghẹt. Thông thường mổ là phương pháp tối ưu và bắt buộc để các BS khâu cổ túi, cắt túi thoát vị cho bệnh nhân. Nhờ phẫu thuật mà các BS còn có thêm cơ hội để tái tạo thành bụng cho bệnh nhân. Đây cũng là giải pháp mà Bệnh viện Hương Khê đã điều trị cho Th. Đến nay sức khỏe của anh đã hồi phục. Các triệu chứng đau đớn khó chịu như trước đã mất hẳn.
Trường hợp phức tạp hơn
Trong quá trình thăm khám, các BS có kinh nghiệm sẽ phân biệt được thoát vị bẹn với các căn bệnh có triệu chứng tương tự như: Viêm mào tinh, xoắn tinh hoàn, u mỡ, tràn dịch màng tinh… Đây là những căn bệnh hay gặp ở vùng bẹn và cần chữa trị kịp thời. Thoát vị bẹn thường chỉ ở một bên nhưng có khi cả hai bên bẹn đều có hiện tượng thoát vị. Có một thông tin thú vị là ngoài các bé trai bị thoát vị bẹn, một số bé gái cũng mắc phải căn bệnh này,  tuy tỷ lệ có thấp hơn. Đây thường là các bệnh nhi có giới tính giả (bệnh nhân là nam nhưng có bộ phận sinh dục bề ngoài giống như nữ, không có tử cung nhưng có tinh hoàn ẩn). Cũng có trường hợp lúc mở bao thoát vị lại phát hiện tử cung của bệnh nhi nam. Những trường hợp này bệnh viện phải kiểm tra nhiễm sắc thể để xác định đúng giới tính thật.
BS khuyến cáo các bậc cha mẹ khi biết con mình bị thoát vị bẹn thì phải đi khám bệnh để có hướng điều trị càng sớm càng tốt. Nếu chữa trị không kịp thời thì rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm như nghẹt hoại tử ruột và tinh hoàn. Những đứa trẻ sinh non, thiếu tháng có di tật tinh hoàn ẩn hay mắc phải căn bệnh này nên cha mẹ cần lưu ý
Ngọc Quang