Thứ ba, 21/2/2017, 21h46

Trẻ sống thiếu trách nhiệm do tác động từ xã hội

Để định hướng học sinh sống có trách nhiệm rất cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) tham gia vẽ tranh bảo vệ môi trường. Ảnh: D.Bình

Hiện nay dạy trẻ sống có trách nhiệm không có chủ đề cụ thể trong chương trình giảng dạy bộ môn GDCD ở trường phổ thông, kể cả bậc THPT. Tuy nhiên, trong quá trình lên lớp, hầu hết giáo viên đều tìm cách lồng ghép chủ đề này để có sự giáo dục toàn diện và gần gũi với đời sống thực tiễn hơn. Trong thực tế vẫn có nhiều học sinh sống có trách nhiệm với chính mình và với mọi người nhưng không bằng các thế hệ trước. Nếu trước đây các em biết nhận lỗi và hứa khắc phục thì bây giờ có em dù phạm lỗi nhưng vẫn không thừa nhận lỗi do mình gây ra. Ngược lại, có em lại đùn đẩy, đổ thừa cho bạn hay người khác dù đó là lỗi của mình. Đây là điều đáng buồn và đáng báo động. Đó là những em thường thể hiện cái tôi, cá nhân chủ nghĩa lớn qua vẻ bề ngoài như cách ăn mặc khác thường, nhuộm tóc, phong cách lời nói khác biệt với bạn bè. Một phần ảnh hưởng từ môi trường sống bên ngoài, một phần các em làm theo thần tượng của mình hay một mẫu người nào đó có sẵn. Có em lại thích a dua đua đòi kể cả với bạn xấu nên những học sinh ngoan có vẻ ít hơn những đứa trẻ hư. Nếu trước đây vào lớp chưa sạch sẽ thì các em tự giác quét dọn, lau bảng, sắp xếp lại bàn ghế cho ngay ngắn thì bây giờ các em thiếu tự giác, đùn đẩy cho nhau. Khi có cán bộ lớp tự nguyện làm thì các em cũng không chịu hưởng ứng coi như đó là công việc của người khác chứ không phải trách nhiệm của mình trong đó. Khi được giáo viên nhắc nhở, trừ điểm thì các em mới tự giác nhưng cũng không vui vẻ lắm. Trước đây gặp thầy cô chỗ nào học sinh cũng chào hỏi nhưng nay các em chỉ chào khi ở trong trường, còn ra ngoài thì các em nghĩ thầy cô không biết mình nên cứ im lặng cúi đầu đi. 

Đánh giá về nguyên nhân, có lẽ do nhiều phía mà phần lớn là tác động từ xã hội. Hầu hết lối sống đó bắt nguồn từ những hành vi thờ ơ, vô cảm mà các em nhìn thấy và bắt chước. Đó cũng là do tác động của mạng xã hội đã làm cho các em làm theo một cách vô thức. Mạng xã hội có hai mặt phải và trái, vừa là cầu nối cho giáo viên và học sinh gắn kết với nhau nhưng nếu lạm dụng thì thật sự không hay. Xã hội như thế nào thì con người như thế đó, ảnh hưởng của xã hội đã tác động đến phát triển nhân cách con người. Một lý do nữa là từ phía phụ huynh, do cưng chiều con nên hay bao che, lúc nào cũng cho con mình là ngoan, không mắc lỗi gì.

Các em sống thiếu trách nhiệm cũng do nhiều yếu tố nên cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Nếu hiểu cá tính từng em thì có thể giáo dục được và các em sẽ nghe lời. Không nên có mặc cảm với các em mà cần hiểu và đặt niềm tin vào sự phấn đấu của trẻ, đừng đẩy các em vào con đường hư hỏng, phạm tội. Tuy nhiên, hầu hết các em đang ở tuổi vị thành niên nên tâm sinh lý chưa ổn định, thích thể hiện cái tôi, cá tính. Hy vọng qua độ tuổi này các em sẽ chín chắn và trưởng thành hơn. Ngay học sinh khối 12 cũng đã có trách nhiệm và sống có ý thức hơn khối dưới.

Tóm lại, chúng tôi xin đề nghị: Nếu thay sách giáo khoa bộ môn GDCD thì chương trình nên bỏ bớt những nội dung về triết học, pháp luật vì thiên về chính trị và trừu tượng nên các em khó hiểu. Áp lực thi cử của các môn khác đè nặng lại làm cho các em dù học cũng không hiểu. Chương trình nên thêm những bài đạo đức lối sống đan xen những tình huống cụ thể để bài học sinh động, giáo viên dễ giảng dạy. Sau khi trả lời các tình huống thì các em sẽ thấm thía bài học đạo đức và lối sống hơn. Rõ ràng hiện nay chương trình GDCD nặng, ít mang lại hiệu quả vì thiếu những bài tập tình huống, thiếu những tiết thảo luận sôi nổi để các em liên hệ dễ dàng với cuộc sống.

Lê Thị Vân
(Tổ trưởng bộ môn GDCD,
Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.HCM)