Thứ tư, 9/6/2010, 14h06

Trẻ vị thành niên cần ăn uống đúng cách

Lứa tuổi vị thành niên này cần được hướng dẫn ăn uống đúng cách (ảnh minh họa). Ảnh: S.M

Ở cái “tuổi ăn tuổi ngủ” này, các em thường tăng vọt về chiều cao và cân nặng nên nhu cầu về chất dinh dưỡng rất cao cũng như có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nếu ăn không đầy đủ, trẻ sẽ bị còi cọc, ốm yếu, ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt.
Trong thực đơn hàng ngày, các em cần được cung cấp đủ các nhóm thức ăn: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng. Có như vậy mới đảm bảo cho cơ thể phát triển.
Sự khác nhau về dinh dưỡng của nam và nữ
Đối với các em gái, ngoài nhu cầu cho một cơ thể đang lớn, các em cần được nuôi dưỡng tốt để chuẩn bị làm mẹ trong tương lai. Các em gái hàng tháng còn bị mất máu khi hành kinh nên nếu không được ăn uống đầy đủ sẽ dễ thiếu máu dinh dưỡng, làm giảm lượng oxy của tổ chức não và tim, các em nhanh mệt mỏi, hay ngủ gật, khó tập trung tư tưởng dẫn đến tiếp thu bài giảng kém, kết quả học tập, lao động bị giảm sút. Để phòng thiếu máu, các em nên thường xuyên ăn các thực phẩm có chứa nhiều sắt như rau xanh (rau muống, rau cải, mồng tơi, rau ngót…), thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, gan). Ngoài ra, các em nữ tuổi từ 13 trở lên cần được uống viên sắt dự phòng, mỗi tuần một viên để tạo nguồn sắt dự trữ đầy đủ cho cơ thể. Hiện nay, nhiều em nữ có xu hướng ăn ít hoặc nhịn ăn để cho người mảnh mai làm cơ thể suy nhược. Tình trạng này kéo dài, dẫn đến chán ăn thật sự ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Vậy mỗi ngày, cơ thể các em cần bao nhiêu năng lượng và bao nhiêu đạm? Mỗi học sinh nữ từ 13-15 tuổi mỗi ngày cần ăn để đảm bảo cơ thể có đủ 2.200 kcal, 55 gam đạm; lứa tuổi 16-18 tuổi cần mỗi ngày 2.300 kcal và 60 gam đạm.
Các học sinh nam từ 13-15 tuổi, mỗi ngày cần 2.500kcal và 60 gam đạm; lứa tuổi từ 16-18 cần 2.700kcal và 65 gam đạm.
Cụ thể, thực phẩm nên ăn một ngày như sau:
Gạo - mỗi ngày học sinh nam cần 400-500 gam, nữ cần 350-400 gam.
Thịt (cá) - mỗi ngày học sinh nam cần 150 gam, nữ cần 100 gam.
Trứng - mỗi ngày nam và nữ đều cần một quả.
Đường - mỗi ngày học sinh nam và nữ đều cần 20 gam.
Dầu (mỡ) - mỗi ngày học sinh nam cần 30 gam, học sinh nữ cần 25 gam.
Rau - mỗi ngày học sinh nam và nữ đều cần 300-400 gam.
Sữa - mỗi ngày học sinh cả nam và nữ đều cần 250 ml.
Quả chín - học sinh nam và nữ mỗi ngày cần 300 gam.
Cũng như ở các lứa tuổi khác, bữa ăn sáng và trưa phải là bữa ăn chính. Các em cả nam lẫn nữ muốn có thân hình đẹp thì cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp với việc luyện tập thể dục thể thao điều độ. Tuyệt đối không được nhịn ăn hoặc bỏ bữa. Ngoài việc ăn, uống cũng là một nhu cầu rất cần thiết. Mỗi ngày các em cần được uống một lượng nước từ 1,5-2 lít. Tuổi các em không nên uống rượu bia hoặc các loại nước có cồn khác. Các em cũng không nên uống quá nhiều nước ngọt hoặc các loại nước có ga.
Phòng tránh béo phì
Bên cạnh việc đảm bảo cho các em ăn đủ cả về chất và lượng thì hiện nay,vấn đề béo phì ở trẻ em, trong đó có lứa tuổi vị thành niên cũng rất đáng quan tâm. Các kết quả điều tra cho thấy, các em thừa cân tiêu thụ nhiều loại thực phẩm như bơ, dầu mỡ, thức ăn chiên rán hàng ngày nhiều hơn mức nhu cầu. Những em béo phì cũng thích ăn đồ ngọt, nhất là uống quá nhiều nước ngọt hơn những em khác. Số bữa ăn trong ngày cũng nhiều hơn, bữa phụ lại tập trung vào buổi chiều hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, các em béo phì lại hoạt động ít, nhất là thể dục thể thao mà thường dành nhiều thời gian để xem ti vi, trò chơi điện tử… Vì vậy, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần cân đối lại chế độ ăn uống hàng ngày của các em. Việc giảm cân ở lứa tuổi này không thể áp dụng như người lớn, bởi cơ thể các em vẫn cần phải đủ chất để phát triển. Do vậy, việc tham khảo ý kiến của thầy thuốc trong điều trị béo phì cho các em là điều hết sức cần thiết.
Anh Phúc
 (Theo Sức Khỏe TQ