Thứ sáu, 13/10/2017, 14h46

Trên 300 người chết, mất tích vì thiên tai mỗi năm

Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết con số trên tại hội nghị về quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu trong nông nghiệp với biến đổi khí hậu tại Việt Nam sáng 13-10.

Trên 300 người chết, mất tích vì thiên tai mỗi năm - Ảnh 1.

Hội nghị quản lý rủi ro thiên tai do Ngân hàng thế giới và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 13-10 - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế 1-1,5% GDP, tương đương khoảng 1,3 tỉ USD

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng cho biết Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, từng bước chuyển nhận thức và hành động từ ứng phó sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai.

Tuy nhiên, thực tế tổn thất về kinh tế gây ra bởi các trận thiên tai điển hình gần đây đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai. 

20 năm: 13.000 người chết.

Theo Phó thủ tướng, nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai, nhất là tại các tỉnh ĐBSCL, các vùng thấp trũng ven biển và các địa phương miền núi.

"Cần đặt vấn đề giảm thiểu tác động của thiên tai đối với lĩnh vực nông nghiệp là một nội dung ưu tiên trong nghị trình hành động giảm nhẹ thiên tai của quốc gia, vùng và liên ngành" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế tổn thất về kinh tế gây ra bởi các trận thiên tai điển hình gần đây đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai. Những nỗ lực to lớn của quốc gia vẫn chưa đáp ứng với sự gia tăng rủi ro do hệ quả của sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và tác động cực đoan của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải thay đổi nhận thức, hành động theo một tầm nhìn dài hạn với tiếp cận quản lí giảm thiểu rủi ro thiên tai tổng hợp dựa trên một nền tảng luật pháp, chính sách hoàn chỉnh, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, các công cụ tài chính tương thích và nhận thức của người dân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật lien quan đến phòng ngừa, ứng phó và phụ hồi sau thiên tai; hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản xuất, phân bố dân cư; đầu tư, nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai. 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu nạn, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ông Achim Fock - quyền giám đốc quốc gia Ngân hang thế giới tại Việt Nam - cùng nhiều đại biểu phát biểu tại hội nghị cũng đồng quan điểm với Phó thủ tướng.

Ông Achim Fock cho biết Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình dương đối với hạn hán, bão, lũ lụt và được xếp thứ 7 trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. 

20 năm qua, thiên tai tại Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết, gây thiệt hại tài sản lên tới trên 6,4 tỉ USD, và "rủi ro thiên tai tại Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng gia tăng". 

Thiệt hại về kinh tế lên tới 1,5% GDP và có thể lên tới hơn 4% GDP trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai lớn. Dự báo trong 50 năm tới, Việt Nam có 40% nguy cơ có thể xảy ra thiên tai, thiệt hại về kinh tế trên 6,7 tỉ USD.

Trên 300 người chết, mất tích vì thiên tai mỗi năm - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sáng 13-10 - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Phải tăng cường nguồn lực, tài chính

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định tình hình, nguy cơ thiên tai tại Việt Nam sẽ còn tăng cao, khắc nghiệt hơn.

Theo ông Cường, thực tế năm nay mưa bất thường, lượng mưa tăng gấp rưỡi mọi năm, đặc biệt có nhiều điểm lượng mưa, mực lũ còn cao hơn hẳn đợt mưa lũ lịch sử năm 1985. 

Để quản lý và giảm nhẹ thiên tai, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống, các cấp chính quyền một cách quyết liệt hơn, phải thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ". 

Bên cạnh đó, phải có giải pháp chính sách và luật pháp là nền tảng cơ bản; phát triển nguồn lực nhân lực có chất lượng và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là CNTT địa không gian, phục vụ công tác quản trị, điều hành, hỗ trợ kĩ thuật, nâng độ tin cậy và dịch vụ báo cảnh báo sớm thiên tai ở tất cả các cấp. 

Cần tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, diễn tập, thông tin, truyền thông và liên kết giữa quản lí, nghiên cứu, đào tạo, khu vực tư nhân, truyền thông; tăng cường giải pháp tài chính, tăng cường nguồn lực nhiều hơn.

Trong nông nghiệp, từng bước xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp thông minh, có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…

ĐỨC BÌNH/TTO