Thứ hai, 21/12/2015, 10h00

Trị liệu tâm lý bằng hội họa

Trong trị liệu tâm lý, nhà trị liệu dùng nhiều phương pháp kết hợp để điều trị. Trong đó, vẽ là một trong những liệu pháp tích cực giúp nhà trị liệu “bắt mạch” được “tâm bệnh”, cảm xúc của bệnh nhân.

Một bạn trẻ học vẽ tại phòng tranh của ông H. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), người từng được trị liệu tâm lý bằng tranh vẽ - Ảnh: D.Nguyễn
Một bạn trẻ học vẽ tại phòng tranh của ông H. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), người từng được trị liệu tâm lý bằng tranh vẽ - Ảnh: D.Nguyễn

Bước vào phòng khám tâm lý, bức tranh đầu tiên N. (15 tuổi) vẽ nhuốm đầy màu bạo lực với súng ống, tên lửa, dao găm, đánh nhau... Khi vẽ N. miết bút chì đến rách giấy, tất cả chỉ tô bằng chì đen.

Tìm thấy mình 
trong hội họa

Ba mẹ N. ly thân, anh trai đi du học. N. sống với mẹ, là bác sĩ sản phụ khoa, hết làm ở bệnh viện lại về nhà làm tiếp ở phòng mạch, không có thời gian chăm sóc con.

N. thường xuyên nói “ghét bà bầu, bà bầu đã cướp mẹ”, không tiếp xúc với ai, tự cô lập mình, cho mình kém cỏi, không được mọi người yêu quý. Khi đi khám, N. có dấu hiệu ảo thanh, luôn có tiếng nói chê bai, dè bỉu...

Lúc cho vẽ tranh tự do, N. chỉ vẽ tranh giết người đầy máu me với hai màu trắng đen. Còn với yêu cầu vẽ về ngôi trường đang học, N. vẽ trường có hàng rào bao bọc, học sinh đánh nhau trong trường vì N. là một nạn nhân của bạo lực học đường.

Hiểu chuyện, mẹ N. lúc bấy giờ giảm giờ làm, đóng cửa phòng mạch tại nhà, dành thời gian cho N. nhiều hơn. Mẹ con cùng tâm sự, nói chuyện, cùng tham gia các hoạt động xã hội, làm từ thiện, N. dạy vẽ cho các em mồ côi...

Kết hợp điều trị bằng thuốc và vẽ tranh. Sau một thời gian điều trị, khi được yêu cầu vẽ về một kỷ niệm, N. đã vẽ bức tranh có bãi biển màu xanh, có núi, có người đi trên bãi biển, không gian thoáng hơn.

Một câu chuyện khác là của ông H.. Bước vào tuổi 50, từ người giữ các chức vụ lớn trong công ty, ông H. bị khủng hoảng trầm trọng khi công việc, tình cảm và gia đình cùng lúc gặp nhiều bất ổn. Ông thấy chông chênh, không xác định phương hướng. Ông tìm đến vẽ như liệu pháp cân bằng.

Ban đầu những bức vẽ của ông chỉ toàn gam màu nóng đỏ rực hoặc gam màu lạnh xanh ngắt của nước biển. Từ từ, qua các bức vẽ, ông trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống của mình. Mỗi câu chuyện như nút thắt trong các vấn đề của cuộc đời ông được tháo gỡ, càng bày tỏ nhiều tâm trạng ông càng thoải mái hơn.

Chỉ sau ba tháng dưới sự “kiểm soát” của chuyên gia tư vấn, ông đã đối mặt với những vấn đề khó khăn tưởng chừng không lối thoát. Không chỉ vẽ tranh để trị liệu, những bức tranh của ông dần có hồn hơn, màu sắc hài hòa hơn, ông cũng thích thú với công việc này hơn.

Ông đã mở phòng tranh và nhiều người đến nhờ dạy vẽ, họ đến với ông không chỉ để vẽ mà còn giãi bày tâm sự qua tranh.

Chẩn bệnh bằng tranh

Theo ThS tâm lý Võ Thị Minh Huệ, tranh vẽ được sử dụng trong bước đầu đánh giá của phiên trị liệu.

Nhìn vào bức tranh có thể đánh giá được người vẽ có chịu ảnh hưởng của bạo lực trong gia đình, trường lớp hoặc xã hội không. Nó thể hiện một phần ký ức của người vẽ, bức tranh dù không hoàn hảo nhưng bộc lộ cảm xúc và cái nhìn của người bệnh.

Bản thân người trị liệu không nhất thiết phải giỏi hội họa nhưng cần có khả năng đọc được tranh và trò chuyện với thân chủ qua tranh, dù tranh không đánh giá kết quả cuối cùng của quá trình trị liệu.

Cử nhân tâm lý Đặng Hà An (trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần nhi, Portland, Mỹ) cho biết thêm tại Mỹ, nhà tâm lý phải học đến thạc sĩ tâm lý chuyên ngành liệu pháp nghệ thuật để đọc và đánh giá tranh vẽ của bệnh nhân dựa trên khoa học chứ không dựa vào sự phỏng đoán theo kinh nghiệm cá nhân, cảm xúc chủ quan của người đọc. Ở Mỹ, ngành tâm lý phát triển nên mỗi nhà tâm lý được học chuyên sâu từng mảng nhỏ.

Trong khi đó bác sĩ Nguyễn Văn Ca, phó chủ nhiệm bộ môn tâm thần kinh Bệnh viện 175, cho biết việc sử dụng liệu pháp nghệ thuật hỗ trợ quá trình điều trị tâm lý, tâm thần ngày càng được chú trọng. Nhưng không phải nhà trị liệu nào cũng đủ khả năng sử dụng liệu pháp này và các đơn vị điều trị không được quan tâm đúng mức để đầu tư vật chất, nhân sự. Không chỉ đọc tranh vẽ, nhà trị liệu phải biết dùng các công cụ vẽ để kích thích hoặc điều tiết cảm xúc người bệnh theo hướng thích hợp.

Mỹ thuật trị rối loạn giao tiếp

ThS Lê Khánh Điền - trưởng đơn vị âm ngữ trị liệu Bệnh viện An Bình, TP.HCM - vừa tổng kết hai năm lớp “Trị liệu bằng mỹ thuật” cho người rối loạn giao tiếp sau đột quỵ hoặc chấn thương não, cho biết đã đạt được những kết quả tốt trên bệnh nhân: tăng khả năng giao tiếp, tăng tính tự tin…

“Đánh giá kết quả của phương pháp trị liệu này trên bệnh nhân rất khó nhưng đây vẫn là phương pháp hỗ trợ trong liệu trình điều trị” - ThS Lê Khánh Điền chia sẻ.

Anh cũng chia sẻ thêm có những bệnh nhân theo lớp từ những ngày đầu tiên, đến giờ họ vẫn miệt mài theo lớp vào thứ sáu hằng tuần dù nhà ở Vũng Tàu, Đồng Nai… Điều đó cho thấy ảnh hưởng của phương pháp này đối với chất lượng cuộc sống người bệnh ra sao.

 

DIỆU NGUYỄN/TTO