Thứ bảy, 3/2/2018, 20h52

Triển khai hội đồng trường: Vấn đề cũ nhưng cấp thiết

Hội đồng trường (HĐT) là vấn đề mới của các trường ĐH tại Việt Nam. Thực hiện theo điều lệ trường ĐH, các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đang tích cực chuẩn bị các khâu cần thiết để triển khai và áp dụng mô hình HĐT trong quản lý và điều hành. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần từng bước tháo gỡ…

Sinh viên Khoa Sư phạm mầm non một trường ĐH trong giờ học kỹ năng.  Ảnh: M.Tâm

1. Điều lệ trường ĐH do Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ 30-1-2015, là văn bản thay thế cho các văn bản trước đây liên quan đến công tác tổ chức, quản lý bộ máy các loại hình trường ĐH, cũng như đặt ra nhiều trách nhiệm rõ hơn của các trường ĐH trong xây dựng bộ máy và phát triển đào tạo.

Thực tiễn quá trình triển khai các công tác liên quan đến giáo dục ĐH trong giai đoạn hiện nay đã chứng minh rằng, việc ban hành điều lệ trường ĐH là việc làm mang tính cấp thiết đối với các trường ĐH. Điều lệ trường ĐH đã tách bạch vai trò quản trị, định hướng của HĐT (ĐH công lập), Hội đồng quản trị (ĐH tư thục) và vai trò quản lý, điều hành của hiệu trưởng, tăng quyền của hiệu trường đối với tổ chức và điều hành, phát huy vai trò của hội đồng khoa học và đào tạo. Với các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, việc sớm triển khai và vận hành các nội dung cụ thể trong điều lệ, trong đó có nội dung thành lập HĐT sẽ góp phần quan trọng và cần thiết để khẳng định và thực hiện quyền tự chủ của nhà trường, đi liền với tự chủ là trách nhiệm của nhà trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Với nội hàm “Là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục. HĐT là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường. Do Nhà nước luôn là chủ sở hữu của các trường công lập nên ở các trường công lập cả hiệu trưởng lẫn HĐT đều cùng là người đại diện cho Nhà nước” (theo Luật Giáo dục 2005). Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, việc thành lập HĐT sẽ là một trong những biểu hiện, thuộc tính cụ thể cho tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, góp phần cho công tác tự chủ ĐH của các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM được tốt hơn. Vấn đề này đã được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật Giáo dục ĐH. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH được quy định tương ứng với năng lực và điều kiện đảm bảo quyền tự chủ.

2. Quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH. Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đối với xã hội là bảo đảm chất lượng đào tạo. HĐT là thiết chế không thể thiếu để giao quyền tự chủ cho các trường. Điều 16 Luật Giáo dục ĐH bổ sung quy định về HĐT đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập so với quy định tại Điều 52 của Luật Giáo dục cho phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục ĐH trong nước. 

Hội đồng trường phổ biến của các trường ĐH trên thế giới thường có các thành phần là người ngoài trường, họ là những chính khách, có uy tín cao trong xã hội. Với cơ chế làm việc không hưởng lương hoặc hưởng lương tượng trưng, các thành viên trong hội đồng (có thể là cựu sinh viên của trường), nếu có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của trường sẽ được vinh danh, lưu danh tại khuôn viên hoặc nhà truyền thống của trường.

Theo quy định của Luật Giáo dục Việt Nam, trường ĐH có quyền tự chủ trong 5 lĩnh vực sau đây: (i) Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy; (ii) Tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp; (iii) Tổ chức bộ máy; (iv) Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực; và (v) Hợp tác trong và ngoài nước. Qua thực tiễn công tác và triển khai cụ thể, chúng tôi mạnh dạn cho rằng, việc triển khai HĐT tại các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng thêm tính hiệu quả của công tác tự chủ đối với các mặt: Quản lý điều hành nhà trường; tài chính; tuyển dụng và quản lý đội ngũ cán bộ và xác định điều kiện làm việc của người lao động; hoạt động đào tạo, tuyển sinh; xác định các chuẩn mực và phương pháp đánh giá; chịu trách nhiệm trong các trường ĐH, CĐ công lập; người học, xã hội; trách nhiệm với Nhà nước; trách nhiệm đối với chính nhà trường. Tuy nhiên, như hai mặt của một vấn đề, quá trình triển khai thực hiện sẽ vướng vào một số vấn đề nổi cộm, thể hiện ở: Việc lập HĐT ở các trường ĐH công lập là một việc mới, các trường cũng thật sự chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai; sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường và vai trò của Hội đồng khoa học - đào tạo (đã được Luật Giáo dục quy định) sẽ có sự thay đổi nhất định khi có HĐT; chưa có cơ chế cụ thể về mối quan hệ, cách thức phân quyền, điều hành công việc giữa Chủ tịch HĐT và hiệu trưởng; mô hình để học tập kinh nghiệm trong quá trình triển khai là chưa nhiều; chức năng của tổ chức Đảng ủy về cơ bản khác với chức năng của HĐT, do vậy, thực tiễn trong quá trình triển khai vì công tác chung cũng cần có sự đồng thuận, nhất trí cao giữa hai bộ phận này, chưa kể đến, HĐT còn bao gồm các thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường; với quy định cứng là HĐT có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 15, có một số thành viên bên ngoài (không dưới 20% tổng số thành viên của HĐT), công tác triệu tập họp thường xuyên theo đúng quy định cũng gặp khó khăn, vì gần 100% thành viên HĐT (nhất là ngoài trường, điều kiện về địa lý, hoàn cảnh công tác…) đều là kiêm nhiệm.

3. Để góp phần tháo gỡ các bất cập, tồn tại cũng như hạn chế nêu trên, thiết nghĩ các trường cần xây dựng và thể hiện trong quy chế làm việc của HĐT trong từng nhiệm kỳ về các mối quan hệ giữa các tổ chức tham gia trong HĐT. Chú trọng công tác tổ chức tập huấn cho các thành viên trong HĐT về nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên và cách thức làm việc. Ngoài ra cần chú trọng xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, đoàn kết nội bộ; thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động trong nhà trường. Và tạo ra cơ chế giám sát hợp lý, đúng quy định, nâng cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội của người quản lý, nhất là của Chủ tịch HĐT.

Gần tròn một năm UBND TP.HCM tổ chức lễ ra mắt Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH gồm 46 cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn TP (3-3-2017), việc triển khai thực hiện HĐT sẽ là xu thế tất yếu đối với các trường ĐH trên địa bàn TP, tạo tiền đề và góp phần quan trọng nhằm huy động các nguồn nhân lực trí thức cao, phục vụ các chương trình đột phá cho TP và triển khai các đề tài theo đơn đặt hàng của lãnh đạo TP.HCM.

TS. Trần Mai Ước
(Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)