Thứ sáu, 9/12/2016, 15h32

Triển lãm “Vị nghệ thuật” - Những khác biệt trường phái và tuổi tác

Lần đầu tiên tại Việt Nam có sự tái hợp hai tên tuổi thời danh quốc tế sinh cùng năm: danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) và danh họa Affandi (1907 - 1990). Trong khoảng 20 năm qua, họ đã vài lần “song kiếm hợp bích” để tạo nên niềm hứng khởi, sự kịch tính cho các phiên đấu giá quốc tế.

Vị nghệ thuật (Treasures of the Arts) là tên gọi của phiên đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 17-12-2016, tại số 19 Công trường Lam Sơn, quận 1, TPHCM . Phạm vi tác giả phiên đấu giá bao gồm cả nghệ thuật Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Điểm thu hút đầu tiên của phiên đấu giá này là sự chủ động bước qua những khác biệt của trường phái và tuổi tác.

Điểm đặc biệt nhất, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có sự tái hợp hai tên tuổi thời danh quốc tế sinh cùng năm: danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) và danh họa Affandi (1907 - 1990). Trong khoảng 20 năm qua, họ đã vài lần “song kiếm hợp bích” để tạo nên niềm hứng khởi, sự kịch tính cho các phiên đấu giá quốc tế. Họ cũng đang thuộc số ít các tên tuổi được tìm kiếm bậc nhất tại Đông Nam Á.

Tác phẩm Mẫu đơn đỏ của Lê Phổ

Xét về giá bán công khai tác phẩm của hai họa sĩ đã qua đời, nếu Lê Phổ đang là đại diện cao nhất Việt Nam thì Affandi cũng như vậy đối với Indonesia. Một tác phẩm của Lê Phổ từng bán hơn 800.000 USD, thì của Affandi là hơn 900.000 USD. Indonesia đang là quốc gia có thị trường mỹ thuật năng động bậc nhất châu Á, trong khi Việt Nam thì chưa định hình thị trường, việc “chạy đua” được về giá như tranh của Lê Phổ là điều rất đáng lưu ý.

Tác phẩm Hội chợ phù hoa của Affandi

Một sự tái hợp lần đầu tiên khác là giữa Trần Đông Lương (1925 - 1993) và Hasim (1921 - 1982). Chất thơ dạt dào, vẻ đẹp giàu sức sống của phụ nữ, sự tĩnh tại trong cách nhìn là những điểm chung dễ nhận thấy trong sự nghiệp của họ. Sinh thời, cả hai cùng chọn lối sống khá lặng lẽ, xa rời hội đoàn, truyền thông, chỉ dành tâm huyết cho sáng tạo. Điều này có thể làm cho tên tuổi của họ chưa thật nổi tiếng, nhưng bù lại, tác phẩm lại giữ được sự riêng tư, ít chịu tác động từ thị hiếu đương thời.

Phiên đấu còn chủ động dành sự vinh danh đối với họa sĩ Lê Văn Xương (1917 - 1988), một tài năng còn ít được biết tới của Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình khá giả ở Nam Định, từ nhỏ đã lên Hà Nội để học hành bài bản. Con cháu ông cho biết, ông không thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà học trực tiếp từ họa sĩ Nhan Trí và mời vài thầy của trường này về nhà giảng dạy.

Thời điểm trước năm 1954 tại Việt Nam, tính luôn người Pháp, số họa sĩ làm được triển lãm cá nhân rất ít, thế nhưng họa sĩ Lê Văn Xương đã tổ chức triển lãm Hà Nội 36 phố phường (vào ngày 28-4-1953 tại Nhà hát lớn thành phố, Hà Nội). Theo ghi chép của chính họa sĩ để lại, có 9/29 tác phẩm được bán tại triển lãm này, trong đó riêng ông Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mua 4 bức, ông giám đốc xã hội Đào Sĩ Chu mua 2 bức.

Người Pháp lập Trường Nghệ thuật ứng dụng Biên Hòa (Ecole des Arts appliqués de Bien Hoa) từ năm 1903, tồn tại tới ngày nay với vài lần đổi tên. Chính trường này đã bổ sung nguồn lực và thẩm mỹ cho mỹ nghệ, nghệ thuật tại Đồng Nai và cùng các vùng phụ cận. Một thời, trường này là công xưởng mỹ nghệ và nghệ thuật từ xa của nước Pháp. Các sản phẩm, tác phẩm tại đây đi khắp châu Âu và nhiều nước có dấu chân người Pháp.

Vào ngày 4-4-2016 nhà Sotheby’s mang ra đấu giá một tượng đồng ra đời trong thập niên 1940 tại Biên Hòa (và đã xuất sang Pháp thời đó) tại phiên Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á ở Hồng Công. Một nhà sưu tập tư nhân đã mua bức tượng và mang về TPHCM. Nhìn thần thái bức tượng xuất hiện tại phiên đấu này đủ thấy tay nghề và thẩm mỹ bậc cao của người tạo tác ngày xưa.

Những tên tuổi còn lại của phiên đấu giá Vị nghệ thuật (Treasures of the Arts), có người xuất thân trường quy, có người tự học, có người mới vào nghề, có người đã qua đời. Vài người đã thành danh quốc tế, vài người có cá tính sáng tạo đặc biệt, vài người khiêm nhường, lặng lẽ. Nhưng, điểm chung là tác phẩm của họ đều có cá tính và phong thái riêng, đủ để mang đến sự xúc động cho người xem.

Tác phẩm Vân vê sợi chỉ đỏ của Bùi Tiến Tuấn

Còn quá sớm để khẳng định điều gì, ngay cả cách thức tổ chức, đôi chỗ vẫn còn những lấn cấn, vấp váp, nhưng đáng để hy vọng. Vì thật sự nền mỹ thuật Việt Nam đang cần nhiều hơn các phiên đấu như thế này, và chuyên nghiệp hơn, để dần dà hình thành nên một thị trường thực thụ.

XUÂN THỦY (SGGP)