Thứ ba, 27/9/2016, 21h41

Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế, người dễ tổn thương

Chiều 27-9, tại TP.HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Lồng ghép giới trong dự thảo luật trợ giúp pháp lý”.

Hội thảo nhằm bổ sung một số người được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành; Quy định rõ phạm vi và hình thức thực hiện pháp lý theo đúng bản chất và yêu cầu của trợ giúp pháp lý; Nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Tinh gọn, nâng cao hiệu quả tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; Tăng cường cơ chế đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý…

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật Trợ giúp pháp lý cần bổ sung các đối tượng người dễ bị tổn thương như: Người quan hệ tình dục đồng tính, nạn nhân xâm phạm tình dục, người bán dâm, người thân người bị nhiễm HIV… Đối tượng này ít nhiều chịu sự phân biệt, kỳ thị và cũng cần được tư vấn lao động, việc làm, bảo mật thông tin, quyền lợi của mình qua điện thoại nhằm bảo mật thông tin, danh tính.

Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa lại cho rằng, trợ giúp pháp lý là quyền an sinh xã hội và kiến nghị bổ sung thêm ở khoản 3 điều 7 luật này đối tượng trợ giúp pháp lý là người khó khăn nhận thức hành vi. Bên cạnh đó, người bị giải tỏa nhà đất; người tiêu dùng; người mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn cũng cần được giúp đỡ. Theo bà Hòa, công nhân ở các KCX-KCN có hoàn cảnh khó khăn cũng cần được trợ giúp pháp lý lưu động...

Luật sư Nguyễn Thị Dện, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Q.6, TP.HCM bổ sung thêm: Nữ yếu thế, hành nghề mại dâm, bị giam giữ nhiều năm là những đối tượng rất cần được quan tâm.

Bà Lê Thị Thanh Nhã (Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TP.HCM) cho rằng, Luật Trợ giúp pháp lý cần quan tâm đến đối tượng người nghèo thật sự. Theo đó, họ là những người ly hương len lỏi trong cộng đồng làm thuê ở cửa hàng, giúp việc trong gia đình, buôn bán nhỏ trên xe đẩy có nguy cơ trở thành nhóm người yếu thế…

T.Anh