Chủ nhật, 26/6/2011, 09h06

Trỗi dậy bệnh thành tích

Sự cố đáng quan tâm nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay liên quan tới hội đồng chấm thi của 11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long với số giám khảo khoảng 3.500 người. Đặc biệt, nó được lãnh đạo 11 Sở GD&ĐT chủ động bàn bạc, thống nhất thực hiện, có sự “đồng loã” của lực lượng thanh tra mà Bộ GD&ĐT ủy quyền đến giám sát việc chấm thi.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Đằng đẵng hai tuần chấm thi, chỉ đến khi mọi thứ đã đến công đoạn cuối cùng là công bố kết quả, chuyện mới lộ ra và lãnh đạo Bộ chỉ biết khi bàn dân thiên hạ đã đọc báo xong.
Từ việc hướng dẫn chấm thi “nới tay” của 11 tỉnh ĐBSCL, nhiều người liên tưởng tới những vụ bắc thang trèo tường ném bài vào trường thi ở Hà Tây cũ trước “hai không”, vụ tổ chức giải bài trong hội đồng thi bổ túc THPT Lương Tài, Bắc Ninh ngay năm đầu tiên thực hiện “hai không”.
Câu chuyện cụ thể thì khác nhau, nhưng dường như đều cùng có một xuất phát điểm: áp lực tỉ lệ đẹp! Vì áp lực này mà mọi biện pháp Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm hướng tới một kỳ thi quốc gia “sạch” đều dễ dàng bị vô hiệu hóa.
Thậm chí, như một loại vi khuẩn kháng thuốc, bệnh thành tích trước “hai không” hồn nhiên nảy nở thì sau “hai không”, triệu chứng bệnh diễn biến bất thường và khó đoán định, vì thế mà muôn phần nguy hiểm!
Chia sẻ với các phóng viên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương bình luận, cuộc vận động “hai không” thất bại hay thành công phụ thuộc vào bản lĩnh của từng lãnh đạo Sở GD&ĐT. Nhưng trong cơ chế bổ nhiệm, sử dụng cán bộ quản lý hiện nay, những người nhiệt tâm cho sự nghiệp chung ngày càng trở nên ít ỏi. Điều người ta bận tâm hơn cả là sự an nguy cho cái ghế của mình.
Chỉ cần chỉ thị miệng của những người có quyền lực lớn hơn mình được đưa ra thì bất chấp các cuộc vận động mang tính hô hào, mọi nỗ lực của những người cần giữ ghế chỉ nhằm trau chuốt cho những con số thi đua.
Trở về câu chuyện bắt tay nhau nới lỏng hướng dẫn chấm thi của 11 tỉnh ĐBSCL, câu chuyện tưởng như kết thúc có hậu cho kịch bản “hai không” khi Bộ GD&ĐT đưa ra phán quyết: sai quy chế! Tuy nhiên, trong dư luận xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, chớ vội mừng. Bởi việc xử lý sai phạm của cán bộ thuộc thẩm quyền của lãnh đạo các địa phương.
Nhìn biểu đồ tỷ lệ tốt nghiệp từ năm 2006 đến nay, không thể không lo lắng: Liệu có phải bệnh thành tích trong giáo dục đang trỗi dậy?
Theo Thanh Nien