Thứ ba, 29/12/2015, 21h00

Trời trở lạnh, trẻ bệnh hô hấp tăng mạnh

Những ngày qua, do ảnh hưởng thời tiết trời trở lạnh vào đông khiến nhiều trẻ bị bệnh đường hô hấp, kéo theo lượng bệnh nhi nhập viện tăng. Điều đáng nói là tình trạng chăm sóc không đúng cách, tự mua thuốc cho con uống cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh của trẻ thêm nặng hơn.

Các bệnh nhi đang được điều trị tại phòng bệnh của Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1

Chăm sóc chưa đúng

Giải thích về cơ chế bệnh đường hô hấp, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý, khi trời se lạnh, không khí vào đường thở của trẻ không được sưởi ấm (do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn) nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ Đồng Nai) cho biết chị đưa con trai 24 tháng tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) sau hơn 20 ngày tự điều trị các triệu chứng ho và sổ mũi bằng các loại thuốc Siro Pectol, Siro Exomuc Broncho, xịt Xitsat. Bên cạnh việc cho bé uống thuốc, chị cũng cho con mặc áo ấm và mang vớ suốt ngày nhưng sao con chị vẫn không bớt ho và không khỏi bệnh.

Cũng tự ý mua thuốc cho con uống vì nghĩ con bị cảm thường, nên chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (ngụ Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) rất sốt ruột khi thấy các triệu chứng ho, nôn ói, khò khè, khó thở của con cứ kéo dài dai dẳng, trời càng lạnh bé càng ho nhiều. Chịu hết nổi, vợ chồng chị đã đưa con trai Trần Hoàng Nam (11 tháng tuổi) đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ ngày 20-12 vừa qua.

Nhập viện cùng ngày với bé Nam, bé Võ Ngô Gia Minh, 9 tháng tuổi (ngụ Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) trở bệnh nặng hơn với các biểu hiện khó thở, nôn ói, thều thào không thành tiếng, người lả đi vì ăn uống kém. Chị Ngô Thị Kim Chi, mẹ bé Minh thừa nhận bệnh con chị trở nặng là do mất vài ngày cho bé uống kháng sinh và thuốc ho trước khi nhập viện, khiến đàm tích tụ ở phổi làm cho con chị khó thở. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy bé bị viêm phổi và viêm thanh quản. Mặc dù lo lắng với tình trạng của con, nhưng do giường bệnh nơi được bố trí ở phòng 306 đã có 6 bé nên vợ chồng chị Chi chấp nhận ôm con tá túc ở hành lang. May mắn là đến ngày thứ 3 từ khi nhập viện, con trai chị đã nói được thành tiếng. Đến sáng ngày 28-12, bé Minh gần như đã bình phục hẳn, không còn nôn ói, ăn uống được và thở dễ. Trong khi con chị Kiều, con chị Chi đang chờ quyết định xuất viện của bác sĩ, thì phòng khám của Khoa Hô hấp vẫn tiếp tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi mới đến thăm khám, còn trong các dãy phòng bệnh của khoa này cũng vẫn chật ních người.

Lời khuyên của bác sĩ 

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tuần qua bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhi đến khám về hô hấp tăng so với trước, khoảng 120-130 bệnh nhi mỗi ngày. Trong đó có ngày có tới 30 ca nhập viện. Trong tổng số trẻ điều trị bệnh hô hấp nội trú, có khoảng 10% trẻ trở nặng phải thở ôxy. 

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, thời tiết trở lạnh khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hô hấp và dị ứng hô hấp. Điều cần lưu ý là nếu trẻ mắc bệnh hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng, tai giữa, amiđan…) chỉ cần chăm sóc tốt là trẻ sẽ khỏi mà không cần dùng thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên nếu trẻ mắc bệnh đường hô hấp dưới (viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, hen suyễn) thì cần theo dõi biểu hiện thở của trẻ như khó thở, thở lõm ngực, thở rít… phải cho trẻ nhập viện ngay, tránh bệnh diễn tiến nặng, biến chứng và tử vong. Ngoài ra phụ huynh cũng không nên vội vàng mua thuốc ho cho con uống vì ho là phản xạ có lợi, chưa kể việc lạm dụng thuốc ho khiến trẻ bị mất ngủ, nôn ói, ăn uống kém. Khi trẻ bệnh, cũng không nên cho trẻ uống kháng sinh, không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, vì khi mồ hôi toát ra sẽ thấm ngược trở lại làm trẻ dễ bị viêm phổi.

Giải thích về cơ chế bệnh đường hô hấp, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý, khi trời se lạnh, không khí vào đường thở của trẻ không được sưởi ấm (do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn) nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp, dễ bị nhiễm virus hơn, biểu hiện bằng hắt hơi sổ mũi, ho, khò khè hoặc nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới. Đặc biệt những trẻ có tiền căn dị ứng khi bị cảm lạnh hay nhiễm siêu vi sẽ dễ làm khởi phát cơn suyễn.

Do đó khi thời tiết chuyển sang lạnh, bác sĩ Thanh khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý trong việc chăm sóc trẻ bằng các biện pháp sau: Giữ ấm cho trẻ, mang vớ đội mũ khi ra ngoài, khi ở trong phòng cũng cần giữ ấm nhưng cần giữ thoáng cho trẻ. Bên cạnh việc giữ ấm, cần cho trẻ uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp luôn ẩm. Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều nếu được, và ăn dặm đúng cách, nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết nhằm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Bài, ảnh: Đinh Vũ