Thứ ba, 15/12/2015, 23h12

Trọn một tình yêu với… gỗ

Sau 15 năm bước vào nghề điêu khắc gỗ, những tác phẩm mang tên Nguyễn Thanh Xuân dần được khẳng định trong nước cũng như ở nhiều hội chợ triển lãm quốc tế…

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Xuân bên tác phẩm của mình

Có năng khiếu từ nhỏ

Sinh ra tại một làng quê nghèo ở tỉnh Hải Dương, từ năm 6 tuổi, Nguyễn Thanh Xuân (SN 1979) được ông nội yêu thương đưa đi khắp nơi với cái nghề trang trí thạch cao. Trong lúc ông nội làm việc, Xuân ngồi một chỗ lấy đất sét hay bột thạch cao nắn nắn, bóp bóp. Những người thân trong gia đình không ai để ý chuyện một đứa con nít nghịch ngợm, chỉ có chúng bạn mới biết được những thứ mà Xuân hay làm ấy lại là những bức tượng rất dễ thương. Nhớ về ký ức tuổi thơ, nghệ nhân Thanh Xuân chia sẻ: “Vào thời điểm đó, những bức tượng do tôi làm ra hầu hết là những nhân vật trong phim như: Thầy trò Đường Tăng, những vị Phật tổ thần thánh hoặc những con vật yêu thích như: Trâu, gà, lợn…”. Lớn lên, Xuân được bố cho theo nghề trang trí thạch cao, nhanh chóng trở thành một người thợ lành nghề nhưng anh lại không cảm thấy đam mê. Thế nên, vào năm 1997, anh quyết định Nam tiến học nghề điêu khắc gỗ với nghệ nhân nổi tiếng Hữu Thạo.

Hết 3 năm học với thầy Hữu Thạo, anh xin vào làm cho một công ty Đài Loan chuyên sản xuất tượng Phật bán ra nước ngoài. Làm được một năm, có ít vốn riêng, anh quyết định ra ngoài tự mua những gỗ rẻ tiền về chạm khắc. Có một điều ngẫu nhiên mà bản thân anh cũng không để ý đó là, những sản phẩm anh đam mê, yêu thích, làm ra đều là những thánh nhân, các nhân vật đức cao vọng trọng, những vị Phật tổ…

Không chạy theo số lượng

Một tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Nguyễn Thanh Xuân

Tuổi trẻ, tài cao

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn Việt Nam học - Trường ĐH Tôn Đức Thắng), người vừa có một tác phẩm do nghệ nhân Thanh Xuân sửa lại, đánh giá: “Tôi cũng không ngờ anh Thanh Xuân còn trẻ mà đã đạt đến trình độ này, có thể chỉnh sửa một tác phẩm cũ thành một tuyệt phẩm mới. Tạo tác đã khó, đằng này chỉnh sửa lại càng khó hơn, nhưng anh đã thực hiện được và hoàn thiện tác phẩm rất đẹp, có hồn. Điều đó, thể hiện tư duy của người nghệ sĩ, anh phải có cái nhìn tinh tế, có sự cảm thụ nghệ thuật một cách sâu sắc để có thể bắt được dáng thế của từng phôi gỗ tự nhiên, từ đó thổi hồn vào tác phẩm của mình một cách hợp lý, khoa học và nghệ thuật. Điều mà không phải nghệ nhân điêu khắc nào cũng làm được”.

Sau 18 năm bước vào nghề điêu khắc gỗ, những tác phẩm mang tên Nguyễn Thanh Xuân dần được khẳng định trong nước cũng như ở nhiều hội chợ triển lãm quốc tế. Anh Nguyễn Hữu Hồng Kỳ (nhà nghiên cứu phong thủy có tiếng, đồng thời cũng là người có bộ sưu tập vị tổ Đạt Ma bằng gỗ khủng nhất Việt Nam) hiện nay cho biết: “Tôi đam mê sưu tập vị tổ Đạt Ma âu cũng là cái duyên. Hiện nay, bộ sưu tập vị tổ của tôi cũng lên tới hàng trăm pho tượng lớn nhỏ. Tôi may mắn giữ nhiều tác phẩm của những nghệ nhân có tiếng khác nhau. Nhưng khi tôi bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật của Thanh Xuân, tôi rất bất ngờ bởi một nghệ nhân trẻ nhưng rất tinh tế trong từng nét chạm trổ, có tay nghề cao không thua kém các bậc thầy trong giới nghệ thuật điêu khắc gỗ. Từ đó, những tác phẩm gỗ của Thanh Xuân luôn được tôi đặt hàng và trân trọng”.

Trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Thanh Xuân tại cơ sở điêu khắc của anh ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, anh bảo: “Con người sống và làm việc gì cũng cần sự giao hòa của cái tâm. Khi tâm hồn thoải mái thì mình sống hay làm việc gì cũng thuận lợi, hạnh phúc, trong việc điêu khắc tượng gỗ cũng vậy. Nếu mình chạy theo số lượng thì ắt sẽ bị nhiều áp lực, đồng tiền chi phối, tác phẩm sẽ không được đẹp. Thế nên, hiện giờ tôi không nhận quá nhiều mà dành thời gian nghe nhạc và đi câu cá. Bởi, những phút giây thư giãn như thế, giúp tôi có được những ý tưởng sáng tạo mới…”.

Thật vậy, có nhiều tác phẩm anh tạo tác mất cả tháng trời, nhưng cũng có tác phẩm chỉ trong vài ngày là hoàn chỉnh. Chiêm ngưỡng cách anh làm việc, chúng tôi càng hiểu được lòng yêu nghề của anh. Những đường đi của máy, của tay cầm đục mà tựa như những cuộn sóng lúc cao lúc thấp, khi trầm khi bổng. Có lẽ, anh cảm thụ được sự tinh luyện trong từng nét chạm trổ, để rồi anh có thể cho ra đời những tác phẩm tuyệt đẹp đến thế.

Bài, ảnh: Minh Hiếu