Thứ bảy, 17/9/2016, 19h26

Trung tâm ngoại ngữ, tin học nở rộ: Lo ngại các trung tâm đặt tên... “tùm lum”

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao giấy khen của Sở GD-ĐT TP cho các trung tâm. Ảnh: D.Bình

Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 khối trung tâm ngoại ngữ, tin học (NN-TH), bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Tại đây, nhiều đại biểu đã nói lên những thách thức khi các trung tâm NN-TH ngày càng nở rộ...

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện TP có 620 trung tâm NN-TH và 41 điểm dạy thêm học thêm ngoài nhà trường. Trong đó có 467 trung tâm chuyên dạy NN, 17 trung tâm chuyên dạy TH và 136 trung tâm dạy cả NN và TH, riêng số trung tâm dạy tiếng Anh chiếm gần 90%. Với số trung tâm này, TP có hơn 6.300 giáo viên (GV) NN-TH và các môn văn hóa. Trong đó đa phần là GV đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập, một số ít GV đã nghỉ hưu; ngoài ra còn có hơn 990 GV bản ngữ dạy tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn… Tính đến cuối tháng 8-2016, TP có hơn 458.700 lượt người theo học NN, 30.700 lượt người theo học TH cơ bản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Một trong những thách thức hiện nay của công tác văn hóa ngoài giờ là bùng nổ các trung tâm NN-TH, mỗi tuần Sở GD-ĐT TP xét không dưới 3 hồ sơ đăng ký hoạt động của các trung tâm. Hiện TP đang xuất hiện làn sóng trung tâm Hà Nội vào phát triển tại TP.HCM...

Được biết, năm học vừa qua, Sở GD-ĐT TP thẩm duyệt 91 hồ sơ và ra quyết định thành lập mới trung tâm, 42 trung tâm được xét cấp phép mở chi nhánh hoạt động, 22 hồ sơ nâng cấp cơ sở NN-TH thành trung tâm NN-TH.

Cũng theo ông Đạt, hiện nay TP có gần 700 trung tâm nên sắp hết nguồn đặt tên, tên các trung tâm phải mang tính giáo dục chứ không thể đặt ra một cách tùy tiện”.

Ngoài ra, ông Đạt cũng chia sẻ, một số trung tâm thực hiện chưa tốt quy định như bảng hiệu trung tâm một đàng, quảng cáo một nẻo, giấy phép một nơi giảng dạy một nẻo, những bất an về phòng cháy chữa cháy…

Được biết, trong năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT TP đã kiểm tra và xử lý 12 địa điểm tổ chức giảng dạy NN không phép; kịp thời chấn chỉnh các sai phạm tại 9 đơn vị trong việc thực hiện chương trình nội dung giảng dạy, các loại hồ sơ chuyên môn, sử dụng lao động người nước ngoài, nội dung hình thức quảng cáo, bảng hiệu, thực hiện thủ tục chuyển địa điểm, gia hạn thời gian hoạt động của trung tâm; xử phạt 2 đơn vị tại 3 địa điểm hoạt động không phép; kiểm tra và yêu cầu 10 cơ sở bồi dưỡng văn hóa đang hoạt động tiến hành lập hồ sơ chuyển sang hình thức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường…

Ông Hồ Quốc Ánh, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Sở GD-ĐT đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành ở địa phương nhằm quản lý chặt chẽ các trung tâm NN-TH, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ trên địa bàn. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, người học và nhà đầu tư”.

Về phía các trung tâm, tại hội nghị, nhiều trung tâm đã nêu lên một số khó khăn khiến họ đang “chết lâm sàng”. Đại diện một trung tâm TH chia sẻ: “Chứng chỉ TH A, B, C không tồn tại từ nhiều năm nay. Chúng tôi đã chiêu sinh 4-5 năm liên tục mà không có học viên nên phải dạy nghề thiết kế đồ họa, học viên kiến trúc mới tồn tại được. Vậy Sở GD-ĐT TP ngoài cấp chứng chỉ TH A, B, C có thể cấp chứng chỉ khác được không?”.

Về vấn đề này, ông Đạt cho biết: “Theo Thông tư 17 mới đây thì đã chấm dứt chứng chỉ TH A, B, C thay vào đó là chuyển sang thi năng lực TH theo 6 mô đun. Hiện Sở GD-ĐT TP vẫn đang tập huấn, viết phần mềm và yêu cầu các trung tâm TH phải chuyển đổi”...

Dịp này, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã tặng giấy khen cho 36 tập thể đạt thành tích tốt trong hoạt động giảng dạy và các hoạt động đóng góp cho cộng đồng năm học 2015-2016.

Dương Bình