Thứ ba, 19/11/2013, 09h11

Trung tâm Tư vấn Giáo dục và Trị liệu Trẻ em (ATC - TP.HCM): “Cái tâm phải đặt lên hàng đầu”

Hội chứng tự kỷ tên gọi chung của một chứng bệnh thường gặp phải ở trẻ em. Tuy nhiên, khái niệm về Tự kỷ dường như vẫn còn khá mơ hồ đối với nhiều gia đình và toàn xã hội. Từ đó gây trở ngại rất lớn trong việc phát hiện, sàng lọc, chuẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ. Giáo dục TP.HCM có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Dương, giám đốc Trung tâm ATC - TP.HCM (1 đường 1A - KDC Trung Sơn - H.Bình Chánh - ĐT: 08.543 188 27) xung quanh vấn đề này.
* PV: Chào ông! Những năm gần đây tỉ lệ trẻ mắc Hội chứng tự kỷ ngày càng gia tăng. Là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và trị liệu trẻ tự kỷ, ông có nhận xét gì về thực trạng này và dấu hiệu nào để nhận biết trẻ mắc phải Hội chứng này?
- Ông Trần Văn Dương: Trước hết phải khẳng định rằng tỉ lệ trẻ mắc Hội chứng tự kỷ ngày càng gia tăng, hiện tăng gấp 5 lần so với những năm 90 của thế kỷ trước, từ 3 - 4/10.000 trẻ lên đến 15 - 20/10.000 trẻ. Tỉ lệ trẻ tự kỷ nhẹ còn cao hơn nhiều, chiếm 60/10.000 trẻ.
Hội chứng tự kỷ là một trạng thái đổ vỡ nghiêm trọng về tâm lý trong suốt quá trình phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ em, bệnh này thường xuất hiện trong hai năm đầu của trẻ. Đây là căn bệnh dẫn đến sự suy giảm về ngôn ngữ, việc vui chơi, nhận thức, khả năng thích nghi và hòa nhập xã hội của trẻ và nó làm cho đứa trẻ ngày càng bị tụt lại so với các bạn đồng trang lứa. Các nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng có những bằng chứng cho thấy nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ những yếu tố tâm sinh lý do sự phát triển không bình thường của hệ thần kinh từ một vài vùng trên bán cầu não.
Các chuyên gia khuyên cha mẹ cần phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ, đưa con đến cơ sở chuyên ngành để được tư vấn và can thiệp kịp thời. Có thể nhận biết bệnh này qua các dấu hiệu: Trẻ 12 tháng nhưng không bập bẹ nói, không biết ra dấu hiệu chỉ tay, vẫy tay, không bám mẹ, ánh mắt thờ ơ, chậm biết nói khi đã 16 tháng tuổi, mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp với bất kỳ lứa tuổi nào…
Trẻ có hội chứng tự kỷ không có khả năng tiếp thu như những đứa trẻ khác. Các em dường như mất khả năng hiểu được ngôn ngữ giao tiếp cả bằng lời nói lẫn cử chỉ, bị lẫn lộn về cảm giác và tự tách mình khỏi mọi người và thế giới bên ngoài. Đồng thời các em không quan tâm đến các trò chơi, đồ chơi và tỏ ra rất hời hợt trong việc kết bạn với trẻ khác.
* Chăm sóc trẻ bình thường khó một thì ở trẻ tự kỷ khó mười. Người giáo viên không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn về chuyên môn mà “cái tâm”, đạo đức nghề nghiệp cần phải được đề cập đến?
- Xã hội thật sự đang rất cần những người giáo viên, chuyên viên trong lĩnh vực can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ. Theo tôi chính nhận thức của xã hội về nghề tâm lý nói chung và nghề trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ nói riêng sẽ giúp những người chuyên viên đã, đang và sẽ theo nghề này có một sự nhận định đúng về nghề của mình để tận tâm cống hiến. Như vậy ngoài tiêu chuẩn về chuyên môn thì trước hết người giáo viên phải có một triết lý về công việc mình đang làm, điều đó tạo ý thức tôn trọng nghề nghiệp, luôn tìm cách “sống vì nghề” và “sống cho nghề”. Thứ hai là thái độ tôn trọng, bởi thiếu sự tôn trọng sẽ được thể hiện qua phương pháp áp đặt, thái độ không tôn trọng phụ huynh và cách ứng xử thờ ơ với cộng đồng. Đã đến lúc người giáo viên phải xem mình như một cộng tác viên, bên cạnh những cộng tác viên khác là cha mẹ, cộng đồng, xã hội.
* Được biết, ATC trong những năm qua đã đón nhận được sự tin yêu của đông đảo Quý phụ huynh và cộng đồng, có phải vì Trung tâm đã làm tốt điều đó?
- Có một thực tế là tỉ lệ trẻ hòa nhập thành công mỗi năm tại ATC ngày càng cao, điều đó chứng tỏ chúng tôi đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nếu như mỗi giáo viên cần có một triết lý giáo dục thì Trung tâm ATC chúng tôi có một quan niệm “Vì cuộc sống luôn cần những sẻ chia” trong tư vấn giáo dục và tổ chức hoạt động trị liệu cho trẻ em. Tôi tin tưởng rằng với niềm tin yêu mà xã hội dành cho, ATC sẽ ngày càng vững bước trưởng thành để trở thành một địa chỉ tin cậy tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
V.THIẾT (thực hiện)