Thứ năm, 16/9/2010, 14h09

Trường Cao đẳng Viễn Đông, định hướng phát triển

Năm nay, Cao đẳng Viễn đông bước vào năm thứ tư kể từ khi thành lập vào tháng 1/2007 theo QĐ 321/BGD&DT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 4 năm là thời gian chưa nhiều với một trường Cao đẳng đào tạo đa ngành như Cao đẳng Viễn đông,  nhưng do đâu Cao đẳng Viễn Đông vẫn có thể trụ lại & chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo?
Chúng tôi đã trao đổi với Th.S Nguyễn Hồng Trang, Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh về vấn đề nêu trên.
Thưa bà, rất ít trường ngoài công lập đào tạo đa ngành hoặc đầu tư vào các ngành công nghệ, trong khí đó Cao đẳng Viễn đông lại có tới 4/6 ngành công nghệ theo chỉ tiêu của Bộ giáo dục & Đào tạo, vậy tại sao Cao đẳng Viễn đông lại chọn cho mình còn đường gian nan như vậy?
Chúng tôi luôn tâm niệm ‘đào tạo theo nhu cầu xã hội’. Thực chất các em ngành Điện công nghiệp Khóa I của Cao đẳng Viễn đông vừa ra trường năm 2010 nay đã có việc làm và có em thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, chúng tôi đào tạo không theo phong trào mà đã có định hướng, định hướng này cũng xuất phát từ chiến lược thay đổi cơ cấu đầu tư & công nghệ trên một địa bàn đang thu hút lao động kỹ thuật đông nhất nước hiện nay là TP Hồ Chí Minh.
Ngòai ra, chúng tôi cũng có thế mạnh từ con người. Cụ thể là các Giảng viên ngành công nghệ các trường công lập thường ‘rảnh rang’ hơn các Thày/Cô ngành kinh tế, đó cũng là lợi thế cùng với đầu tư thiết bị để cho phép Cao đẳng Viễn đông có thể đào tạo 4/6 ngành công nghệ của mình.
Trong 3 năm qua, đã có ngành nào phải ngưng tuyển sinh vì không đạt chỉ tiêu không thưa bà?
Chúng tôi có thể tự hào mà trả lời rằng, trong hơn 3 năm qua, chưa bao giờ Cao đẳng Viễn đông phải đóng cửa bất cứ ngành đào tạo nào kể cả 4/6 ngành công nghệ, đó là: cơ khí, điện-điện tử, ô tô, và công nghệ thông tin.
Oh! Đây là tin tốt cho ngành và xã hội! Như vậy định hướng chiến lược phát triển ngành đào tạo của Cao đẳng Viễn đông là gì? Công nghệ hay Kinh tế-Tài chính?
Không thể trả lời một cách chính xác là Cao đẳng Viễn đông sẽ theo hướng nào vì chúng tôi cũng còn mới trong thị trường đào tạo & cung ứng nguồn lao động kỹ thuật cao cho các ngành Kinh tế-Xã hội trên địa bàn Vùng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên có thể đưa ra 2 hướng chính là:
Một là: Cao đẳng Viễn đông quyết tâm giữ chất lượng đào tạo với tất cả các ngành đào tạo của trường. Mỗi ngành đào tạo đều có hướng đầu tư hoặc liên kết với các doanh nghiệp, sao cho các em có thể tiếp cận ngay thông tin của nhà tuyển dụng ngay khi vừa học hết năm học thứ nhất. làm được như vậy, ngay cả những ngành khó tuyển nhất như cơ khí, ô tô,… chúng tôi vẫn mở được ít nhất 1 lớp cho 1 khóa học!
Hai là: dựa trên thế mạnh nào đó của trường, ví dụ nguồn giảng viên tốt nghiệp các ngành Kinh tế-Tài chính từ các ĐH lớn của Mỹ, Úc,…Cao đẳng Viễn đông quyết tâm xây dựng riêng một số chuyên ngành đặc thù, qua đó, SV Cao đẳng Viễn đông khi tốt nghiệp có thể cạnh tranh ngay được với các bạn tốt nghiệp ĐH ngay cùng 1 ngành nghề. Ví dụ, các em Cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh sẽ được học thêm những môn học thường ít xuất hiện trong các chương trình của các trường Cao đẳng hoặc thậm chí ĐH khác như Kinh tế lượng (Econometrics); Hành vi tổ chức (Organizational Behavior); Dự báo kinh doanh (Business forecasting),…
Từ hai hướng đi này, Cao đẳng Viễn đông vừa có thể cung cấp cho Xã hội nguồn nhân lực ‘đại trà’ theo đủ các ngành Kinh tế quốc dân nhưng cũng có thể cung ứng cho thị trường lao động một số cử nhân Cao đẳng có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu để có thể đón đầu việc ra đời của các ngành kinh tế kỹ thuật mới như chứng khoán, quỹ đầu tư, sàn giao dịch hàng hóa,…. 
Cho biết các giải pháp để Cao đẳng Viễn Đông có thể thực hiện kế hoạch của mình?
Trước hết là phải tạo được sự đồng thuận trong toàn trường. Tất nhiên là trong nội bộ cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng, nhưng qua kết quả của Khóa I tốt nghiệp vừa rồi, chung tôi thấy cũng vơi bớt lo lắng của mình khi các em vừa ra trường đã có việc làm và việc làm lại đúng ngành nghề.
Thứ hai là phải tận dụng hết sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong việc triển khai thực thi các Quy chế & Quy định của Ngành, Chính phủ. Ví dụ như việc mạnh dạn áp dụng Quy chế đào tạo theo Quyết định 43/2007/QĐ-BGD& ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo v/v đào tạo theo tín chỉ qua đó, sinh viên Cao đẳng Viễn đông có thể kết thúc khóa học Cao đẳng trong vòng 2 năm. Hay việc trỉển khai việc miễn giảm học phí cho các em HSSV thuộc diện được ưu đãi theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài tận dụng yếu tố bên ngoài, Ban lãnh đạo và Quý nhà đầu tư tại Cao đẳng Viễn đông đã mạnh dạn đầu tư vào trường sở. Bên cạnh khu đất hơn 15 ha được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2006, chúng tôi hiện nay đang chuẩn bị lập dự án đầu tư để có thể khởi công xây dựng Khu học xá chính của trường trên diện tích gần 10.000 m2 tại khu công viên phần mềm Quang Trung vào quý I/2011.
Cuối cùng, ngoài việc tốt nghiệp ra trường, đi làm đúng ngành nghề và có thu nhập ổn định, Cao đẳng Viễn đông còn thiết kế chương trình đào tạo sao cho các Em sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng liên thông lên ĐH trong và ngoài nước.
Ngay từ năm thứ hai sau khi thành lập, Cao đẳng Viễn đông đã được ĐH Hoàng gia Rajamangala (Thái land) cho phép chuyển tiếp học theo công thức 3+ 1 để lấy bằng ĐH tại trường này.Tiếp theo Rajamangala là một loạt các trường lớn và có tên tuổi như ĐH Sư phạm Thiên tân (Trung Quốc), ĐH Chen Siu (Đài loan) ,… cũng góp phần tạo nên uy tín đào tạo cho Cao đẳng Viễn đông trên phạm vi khu vực.Ở trong nước, sinh viên khóa I đầu tiên của trường cũng đã chiếm tỷ trọng đáng kể ngồi trong các giảng đường của ĐH Kinh tế, ĐH SPKT thành phố Hồ Chí Minh.

PV