Thứ năm, 27/5/2010, 23h05

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Giữ xe “chặt” tiền sinh viên

Trường: Không có chủ trương phạt
Nhà thầu: Nếu còn thầu sẽ tiếp tục phạt!

Lấy xe trễ, phạt 10 ngàn đồng. Khóa cổ xe khi đậu trong bãi, phạt 10 ngàn đồng. Quy định “lạ” này đã khiến không ít sinh viên (SV) Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (cơ sở Thủ Đức) phải… ấm ức trong suốt thời gian qua.
Theo SV phản ánh, sau giờ tan học nếu ở lại trường sinh hoạt đội nhóm, tập văn nghệ… mà không kịp lấy xe ra khỏi bãi đúng giờ quy định (5 giờ 30) sẽ chịu mức phạt 10 ngàn đồng. Một số SV do thói quen nên khóa cổ xe khi đậu tại bãi cũng bị phạt. Được biết, hình thức bắt lỗi phạt tiền như thế này đã tồn tại từ khá lâu. SV dù muốn hay không đều phải… bấm bụng chịu.
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM chiều ngày 26-5, ông Nguyễn Đình Chiến (Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Ngân hàng) khẳng định, trường không hề có chủ trương phạt tiền SV như trên. Cũng theo ông Chiến, hình thức phạt như thế này là không nên. Thay vào đó, cần thông cảm, tạo điều kiện cho SV vào những lúc các em phải ở lại sau giờ học để sinh hoạt lớp, tập văn nghệ… Trường hiện có hai bãi giữ xe. Bãi trước giữ xe cho SV nội trú, có khoảng 500 lượt xe. Bãi sau tập trung lượng đông SV ngoại trú với khoảng 800 lượt xe. SV ngoại trú sau giờ học muốn ở lại trường có thể chuyển xe ra gửi ở bãi trước. Theo quy định, sau 5 giờ bãi sau không nhận giữ xe nữa. Ông Chiến còn nhấn mạnh thêm, SV có nhu cầu gửi xe sau 5 giờ nên có thỏa thuận với người giữ xe.
Thực tế, ông Trần Đức Liêm (chủ thầu bãi giữ xe) lại nêu ý kiến ngược lại, phía nhà giữ xe không nhất trí tiến hành thỏa thuận với SV về vấn đề này. Sau 5 giờ 30, SV có nhu cầu ở lại trường sẽ phải chuyển xe lên gửi ở bãi dành cho SV nội trú hoặc ngay từ đầu các em gửi hẳn ở bãi trước. Lượng xe chuyển lên từ bãi sau không nhiều nên bãi trước hoàn toàn có đủ sức chứa. Hợp đồng thuê nhân viên giữ xe (bãi sau) cũng quy định thời gian làm việc kết thúc lúc 5 giờ chiều, không thể yêu cầu nhân viên ở lại làm thêm ngay cả khi SV có nhu cầu được.
Riêng về vấn đề phạt tiền với những SV lấy xe trễ hoặc khóa cổ xe, ông Liêm thẳng thắn bày tỏ quan điểm là “nên phạt”. Theo ông Liêm, nhờ áp dụng biện pháp phạt tiền mà đã hạn chế được tình trạng trên trong khi việc nhắc nhở SV nhiều lần trước đó không mang lại hiệu quả. Ông Liêm cho rằng, những SV không lấy xe đúng giờ quy định là đã vi phạm hợp đồng giữ xe, việc xử phạt không có gì là bất hợp lý. Cả việc SV khóa cổ xe gây khó cho quá trình vận chuyển, dắt xe… vì lượng xe tại bãi rất đông. Được biết, ông Liêm chính thức nhận thầu bãi giữ xe này vào ngày 1-5-2010. Sắp tới, nếu không thỏa thuận được vấn đề giá cả tiền thuê mặt bằng, ông sẽ chấm dứt hợp đồng với trường. Tuy nhiên, theo ông Liêm, nếu thỏa thuận thành công và tiếp tục thầu bãi giữ xe thời gian tới thì hình thức phạt này sẽ tiếp tục được áp dụng. Theo lý giải của ông Liêm, phạt tiền chỉ để khơi dậy ý thức của SV chứ không nhằm làm khó hay lấy tiền của các em.
Như vậy, cái thiếu nhất hiện giờ là sự thống nhất; trường không chủ trương phạt nhưng nhà thầu thì cứ phạt. Ông Chiến nêu hướng sắp tới, công đoàn trường sẽ yêu cầu phía nhà thầu tăng cường nhắc nhở SV nâng cao ý thức tự giác nhằm hạn chế vi phạm trong quá trình tham gia gửi xe. Tuy nhiên, chuyện “phạt tiền” theo ông Chiến “không phải là cách hay” có tiếp tục duy trì hay bãi bỏ thì vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
Mê Tâm