Thứ năm, 16/8/2018, 09h47

Trường ĐH Sài Gòn xin đất mới vì đất cũ đã được giao trường khác

PGS.TS Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn) kiến nghị thành phố xem xét sớm cấp lại đất cho trường sau khi trường bàn giao 14 héc-ta đất quận 7 cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng theo chỉ đạo của Nguyên Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại thông báo ngày 28-4-2016, đến nay chưa được cấp lại.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan cơ sở vật chất Trường ĐH Sài Gòn chiều 15-8

Kiến nghị này được trình bày với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc của ông với trường chiều 15-8.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng Phạm Hoàng Quân còn cho hay trường đã được cấp máy móc thiết bị thí nghiệm tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các phòng thí nghiệm môi trường, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, vật lý, hóa học, sinh học, mong thành phố xem xét tiếp tục hỗ trợ. Ngoài ra, dãy A nhà trường đã xây dựng từ năm 1960 đến nay chưa được sửa chữa lớn, đề nghị cho được thẩm định và cải tạo lại.

Nhiều lãnh đạo các phòng, khoa của trường cũng trình bày mong muốn trường được tạo điều kiện xây dựng thêm hai trường Trung học thực hành mầm non và tiểu học phục vụ công tác thực hành cho sinh viên.

Trao đổi với ban giám hiệu, cán bộ và giảng viên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về xây dựng cơ bản, nhà trường cần làm một đề án trình thành phố nội dung 3 năm tới phải làm những gì; cần giải thích hợp lý để thấy cái nào là cải tạo trường, cái nào mua máy móc thiết bị; có lộ trình và có ưu tiên trong đó nên ưu tiên để xây dựng 2 trường thực hành. Tuy nhiên theo Bí thư, trường thực hành này phải dạy tốt và cần quan niệm quận nào có trường thực hành thì phải xem ở đó có thêm một trường mầm non hoặc trường tiểu học. Trường cần xem hiện quận nào của thành phố có nhu cầu mở thêm trường mầm non, tiểu học để dựa vào chính quy hoạch đó mở trường thực hành mầm non hoặc tiểu học để hai bên cùng có lợi chứ không phải chỉ xây dựng trường thực hành. Cụ thể, Bí thư đề nghị Trường ĐH Sài Gòn và Sở GD-ĐT TP.HCM xem xét các quận 3, 4, 5 hoặc những quận lân cận còn đất và đang có nhu cầu lập trường mầm non, tiểu học trong thời gian tới để bàn bạc cùng xây trường. Nên ưu tiên những “hạng mục” này sau đó mới đến các sửa chữa khác.

Bí thư tiếp tục nhấn mạnh, trường cần làm đề án về hai trường thực hành này, như quy mô, diện tích, thiết kế thế nào, chuẩn bị giáo viên ra sao; đồng thời bàn với các quận và sau đó có thỏa thuận giữa 3 bên gồm sở GD-ĐT TP.HCM, địa phương và trường để có lộ trình thực hiện.

Về thiết bị, Bí thư nhận định, các trường mua thiết bị khi trình lên Sở Kế hoạch, Đầu tư, có thể không thuyết phục được các đơn vị này. Cần có hội đồng tư vấn về thiết bị, trường nên lập hội đồng này bao gồm người của trường và một số thành viên đến từ các ĐH khác có đào tạo ngành tương tự để xem xét tính hợp lý của danh mục thiết bị mà trường lập. Và để chặt chẽ hơn, trường có thể mời các Vụ Kế hoạch tài chính hoặc Cục Cơ sở vật chất của Bộ GD-ĐT tham gia. Trường nên làm sớm vấn đề này, nếu làm quyết liệt thì từ tháng 1 năm sau trường có thể có kinh phí để làm. Tuy nhiên, Bí thư lưu ý trường cần làm theo lộ trình, không phải trong 1 năm mà mua thiết bị tất cả các ngành, cần lần lượt trong 3 năm sẽ hợp lý hơn.

Về vấn đề đất mà thành phố còn “nợ” trường, Bí thư cho biết, thường trực sẽ đề nghị Ủy ban có báo cáo về việc thực hiện kết luận năm 2016 như thế nào, trong quá trình đó, sở Tài nguyên môi trường cũng cần đề xuất chỗ mới nào phù hợp để sau đó tiếp tục triển khai.

Mê Tâm