Thứ năm, 9/8/2018, 22h07

Trường địa phương “hóng” thí sinh

Điểm chuẩn thấp, nhiều trường ĐH địa phương vẫn “hóng” thí sinh, tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung. Trong đó có trường tuyển tới gần 1.000 chỉ tiêu, có ngành ngưỡng điểm xét tuyển bổ sung còn thấp hơn cả điểm trúng tuyển nguyện vọng 1.

Thí sinh trúng tuyn làm th tc nhp hc vào trưng ĐH ti TP.HCM mi đây

Điểm trúng tuyển chỉ từ… 13

Trường ĐH Quy Nhơn đào tạo 46 ngành trong và ngoài hệ sư phạm. Bên cạnh 13 ngành hệ sư phạm lấy điểm trúng tuyển từ mức sàn 17 trở lên thì có tới 23 ngành có điểm trúng tuyển chỉ ở mức 14. Số ngành còn lại có điểm trúng tuyển rải rác 17, 18, 19, 22 và cao nhất là 23,25.

Tương tự, 14 cũng là điểm chuẩn của 9 ngành tại Trường ĐH Công nghệ Đông Á, chỉ riêng ngành quản trị kinh doanh là lấy mức điểm 15. Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cũng lấy mức điểm trúng tuyển 14 cho tất cả các ngành đào tạo tại trường.

Trong 21 ngành tại Trường ĐH Lạc Hồng năm nay, trừ ngành dược học lấy 16 điểm, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô lấy 15 điểm và nhóm 3 ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ sinh học, khoa học môi trường cùng lấy 17 điểm thì tất cả các ngành còn lại đều có điểm trúng tuyển chỉ ở mức 14.

Khu vực Tây Nguyên, Trường ĐH Tây Nguyên lấy mức điểm trúng tuyển 17 cho 7 ngành, 4 ngành còn lại có điểm trúng tuyển từ 18,5 đến 20,2. Ở khối ngoài sư phạm, hàng loạt ngành có điểm trúng tuyển chỉ ở mức 13.

Xét bổ sung gần cả ngàn chỉ tiêu

Dù mức điểm trúng tuyển đợt 1 không cao, Trường ĐH Tây Nguyên vẫn tiếp tục thông báo xét bổ sung gần 700 chỉ tiêu cho 29 ngành với mức điểm xét tuyển bằng sàn là 17 cho khối ngành sư phạm và chỉ 13 điểm cho các ngành còn lại. Trong đó, phần lớn chỉ tiêu tuyển bổ sung rơi vào các ngành nông - lâm như: kinh tế nông nghiệp xét tới 48 chỉ tiêu, quản lý đất đai xét 47 chỉ tiêu, quản lý tài nguyên rừng và khoa học cây trồng cùng xét 43 chỉ tiêu, chăn nuôi xét 36 chỉ tiêu. Các ngành sư phạm chỉ xét từ 10 đến 26 chỉ tiêu.

ĐH Quốc gia TP.HCM xét bổ sung tại phân hiệu Bến Tre

Theo thông báo của ĐH Quốc gia TP.HCM, các thí sinh muốn học tập tại Phân hiệu của ĐH này tại tỉnh Bến Tre do các trường thành viên trực tiếp đào tạo và cấp bằng chính quy (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin) có thể tiếp tục tham gia xét tuyển. Tại phân hiệu này, điểm xét tuyển thấp hơn tối đa 2 điểm so với điểm chuẩn tại TP.HCM. Đồng thời, tỷ lệ chọi cũng thấp hơn vì chỉ dành riêng cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau) và Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).

Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên có thể đăng ký xét tuyển trong thời gian từ ngày 8 đến 16-8.

Trường ĐH Quảng Nam thông báo xét tuyển bổ sung tới hơn 900 chỉ tiêu, trong đó hệ ĐH 575 chỉ tiêu, còn lại hệ CĐ. Trong đó, ngành sư phạm toán và văn vẫn phải tuyển bổ sung, mức điểm xét tuyển chỉ từ ngưỡng sàn Bộ GD-ĐT quy định là 17. Mức xét này cũng bằng điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành này của trường. Hàng loạt ngành khác ngoài sư phạm như: công nghệ thông tin, văn học, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, lịch sử chỉ xét từ 12 điểm, thấp hơn so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 các ngành này tại trường 1 điểm. Ngành công nghệ thông tin còn xét bổ sung nhiều nhất, tới 200 chỉ tiêu.

Cụ thể, ở nguyện vọng 1, điểm trúng tuyển các ngành sư phạm hệ ĐH của trường đều chung mức 17, trừ ngành giáo dục tiểu học lấy 18. Toàn bộ ngành ngoài sư phạm lấy điểm trúng tuyển 13. Hai mức điểm này đều không cao nhưng trường vẫn không tuyển đủ thí sinh. Ở hệ CĐ, hai ngành sư phạm lịch sử và mỹ thuật trường xét bổ sung từ 15 điểm. Các ngành ngoài sư phạm như kế toán, công nghệ thông tin, công tác xã hội, quản trị kinh doanh cùng xét từ 10 điểm.

Thc Trân