Thứ bảy, 9/4/2011, 09h04

Trường học cũng bình ổn giá

Một hội nghị chuyên đề có nội dung rất “nóng" là bình ổn giá, học phí và lệ phí trong trường học vừa được UBND quận và Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, TP.HCM tổ chức sáng 8-4.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp. Tại trường này các món ăn không thay đổi nhưng các món tráng miệng đã được thay đổi để phù hợp thời giá. Ảnh: Như Hùng.
Tại hội nghị, Phòng GD-ĐT quận đã đưa ra dự thảo, theo đó các trường phải giữ nguyên các khoản thu, không vận động phụ huynh đóng góp các khoản thu mới, làm việc với cơ sở cung cấp thực phẩm để cam kết không tăng giá từ nay đến cuối năm học.
Tự chế biến
 
Không thay đổi mẫu đồng phục
Ông Đặng Thanh Tuấn nhấn mạnh việc đề nghị các trường không thay đổi mẫu đồng phục vào năm học mới. “Các trường nên khuyến khích phụ huynh tự trang bị đồng phục cho con, trường chỉ cung cấp logo. Nhà trường cũng nên giới thiệu các đơn vị may đồng phục cho học sinh, đảm bảo giá cả và chất lượng phù hợp. Tuyệt đối không mua bán đồng phục, không đổi mẫu đồng phục. Một số trường thường nhờ nhân viên đứng ra bán đồng phục, nay có thể giao luôn cho bên cung cấp. Làm như vậy để không gây áp lực cho phụ huynh, khuyến khích dùng lại đồng phục cũ”.
Để thực hiện được yêu cầu này, hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ kinh nghiệm xoay xở bữa ăn bán trú trong tình hình giá cả tăng: “Trước đây, nhà bếp lên thực đơn mỗi tháng sẽ có hai lần học sinh được ăn bữa tôm, hai lần mực, hai lần bò và hai lần gà. Nay, thực đơn được tiết giảm theo kiểu mỗi tháng giảm một lần gà, một lần mực và thay bằng trứng. Trước, món canh lúc nào cũng phải có tôm khô, thịt xay, xương, nhưng nay mỗi tuần có một lần canh là nước luộc rau...”.
Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học và mầm non, nguyên liệu các món mặn đều tăng 5.000-7.000 đồng/kg.
Ông Đặng Thanh Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, đề nghị: “Một biện pháp tiết kiệm là thay vì đặt mua bánh flan, rau câu, các trường vận động các cô phục vụ tự chế biến để giảm giá thành. Những trường đang dùng sữa ngoại thử chuyển sang sữa nội xem có thể đảm bảo không”.
Cô Lê Thị Lý, hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi, phân tích: “Để đảm bảo lượng calo cho trẻ theo đúng quy định thì có thể làm được, tuy nhiên vi chất, vi lượng sẽ thiếu. Nhà trường vừa tính toán chăm sóc các cháu sao cho đủ dinh dưỡng, vừa phải tuyên truyền trong phụ huynh để họ chăm sóc thêm bữa ăn cho các cháu ở nhà. Nhưng suy cho cùng, các em con nhà nghèo sẽ rất thiệt thòi”.
Tại các trường không có bếp ăn mà mua suất ăn công nghiệp, tình hình còn khó khăn hơn. Đại diện Trường THCS Quang Trung cho biết: “Vì dùng suất ăn công nghiệp nên chúng tôi hoàn toàn lệ thuộc vào nhà cung cấp, rất khó để cam kết với họ không tăng giá”. Nhiều hiệu trưởng cũng đồng tình về việc không thể bắt nhà cung cấp cam kết không tăng giá, bởi chính họ cũng chịu ảnh hưởng bởi tình hình giá cả tăng.
Đăng ký... bình ổn giá
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường cũng đăng ký việc thực hiện kiềm chế lạm phát theo các nội dung mà phòng GD-ĐT đưa ra như tạm dừng mua sắm tài sản có giá trị lớn, phấn đấu tiết kiệm ít nhất 10% chỉ số điện so với cùng kỳ, giảm tối đa việc tổ chức lễ hội, tổng kết, kỷ niệm; giữ nguyên các khoản thu, không vận động phụ huynh đóng góp khoản thu mới, không thay đổi đồng phục học sinh trong năm học mới.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về chỉ tiêu tiết kiệm ít nhất 10% chỉ số điện sử dụng so với cùng kỳ năm 2010 trong điều kiện phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đang lên cao, đòi hỏi đầu tư trang thiết bị mới. Có trường tiết kiệm điện bằng cách hai tiết đầu buổi sáng không mở quạt. Kết quả là học sinh mệt mỏi vì nóng. Vấn đề phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học cũng hạn chế hơn vì gây tốn điện.
Một hiệu trưởng trường mầm non cho biết: “Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi vàng, trẻ cần được đầu tư toàn diện, có thể tiết kiệm về cơ sở vật chất nhưng không nên tiết kiệm những gì liên quan đến sức khỏe của trẻ. Ví dụ tiết kiệm điện trong thời tiết này, người lớn chịu được nhưng với trẻ con thì rất khó”.
Trước những khúc mắc trên, ông Đặng Thanh Tuấn trao đổi: “Chúng tôi sẽ đề nghị tổ mầm non và các ban ngành liên quan trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho các trường về việc đảm bảo khẩu phần ăn trong thời giá hiện nay. Mặt khác, giới thiệu các điểm bình ổn giá, các cơ sở cung cấp thực phẩm, may mặc có giá tốt... để các trường tham khảo”. Ông Tuấn cũng nhắc nhở các trường kiểm tra chặt chẽ việc dạy thêm của giáo viên, “tránh việc gây áp lực để ép học sinh phải học thêm"
Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ