Thứ hai, 25/1/2010, 08h01

Trường lớp, cơ sở vật chất ở TP. Cần Thơ: Xây xong bỏ mặc

Nhà vệ sinh điểm Trường TH Phú Thứ (Q. Cái Răng) mới đưa vào sử dụng nhưng không có nước

Những ai làm công tác giáo dục cũng thấu hiểu rằng để xây dựng được một ngôi trường, nhất là trường qui mô thì khó biết chừng nào. Từ khi xin được dự án cho đến lúc hoàn thành phải mất vài năm. Thế nhưng, quá trình xây dựng cơ sở vật chất trường lớp cũng như việc bảo quản, sử dụng cơ sở vật chất trang thiết bị vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn…
Trường lớp mới xây đã xuống cấp
Ở TP. Cần Thơ, công tác bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất trị giá hàng chục tỉ đồng của một số trường vẫn chưa tốt. Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền được khởi công từ năm 2003, mới đưa vào sử dụng một vài năm nhưng đã xuống cấp. Nhiều người có dịp đi ngang rất bức xúc khi thấy trần phía ngoài của trường bong tróc ra từng mảng. Bên trong trường thì nhện giăng, vách nứt… Những phòng học kiên cố hóa, những phòng học từ dự án cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi mới đưa vào sử dụng đều đẹp, khang trang nhưng không lâu sau đó, phòng học đã đầy vệt bẩn, bong tróc, nứt, lún… Còn Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, được xây dựng hơn 27 tỷ đồng với hàng chục phòng học kiên cố, hiện đại. Từ ngoài nhìn vào, trường rất đẹp, khang trang nhưng khi lên đến tầng 3 mới thấy tiếc vô cùng. Dãy hành lang dơ, đầy bụi. Ở một số chỗ của hành lang, bã kẹo cao su tạo thành những bệt đen rất xấu. Các bậc cầu thang cũng đầy bụi đất…
Trong giáo dục toàn diện thì nhà thi đấu đa năng là rất cần thiết. Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng một nhà thi đấu đa năng đến hàng trăm triệu đồng và đất đai eo hẹp nên rất ít trường được đầu tư. Thế nhưng, có trường được đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng thì lại không đúng với chức năng hoạt động, giáo dục thể chất của công trình. Điển hình như nhà thi đấu đa năng của Trường THCS phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Phòng của nhà thi đấu lót gạch tráng men nên trơn trợt, rất nguy hiểm cho học sinh khi chơi thể thao. Trần nhà thi đấu lại không đủ độ cao để có thể chơi bóng chuyền, bóng rổ. Và sau một năm công trình được đưa vào sử dụng, hầu như chưa có hoạt động thể dục thể thao nào được tổ chức tại đây. Chẳng những vậy, chất lượng nhà thi đấu đa năng Trường THCS phường Trường Lạc cũng là vấn đề đáng nói khi chỉ qua một năm, sàn sân khấu bằng gỗ đã bong tróc, bước bên này gỗ lại bong lên bên kia. Thậm chí, chỉ cần cầm tấm gỗ kéo lên là tróc ra ngay…
Trong khi TP. Cần Thơ vẫn còn hơn 700 phòng xuống cấp đang chờ kinh phí thì những ngôi trường đẹp được xây dựng hàng chục tỷ đồng lại không được sử dụng tốt thì thật là lãng phí!
Nhà vệ sinh xây nhưng không… xài
Trước đây, vấn đề thiếu nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch trong trường học không được quan tâm đúng mức. Thậm chí nhiều công trình trường học khi thiết kế xây dựng mới cũng thiếu nhà vệ sinh. Chính vì vậy đã gây ra những tác hại về sức khỏe, vẻ mỹ quan, ô nhiễm môi trường… Trước thực trạng này, trong 2 năm 2008 và 2009, UBND TP. Cần Thơ đã cấp 20 tỷ đồng để 9 quận, huyện của thành phố xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống nước tiệt khuẩn cho các trường học. Có thể nói, cơ bản thành phố đã hoàn thành được mục tiêu này. Nhưng khi có đủ nhà vệ sinh và hệ thống nước tiệt khuẩn thì vấn đề đặt ra là sử dụng và bảo quản như thế nào để phát huy hiệu quả của sự đầu tư?
Một lần vào kiểm tra tại Trường THCS Trường Long, huyện Phong Điền, đoàn kiểm tra phát hiện nhà vệ sinh không có nước để dội rửa. Lần khác, lại phát hiện nhà vệ sinh điểm trường khu C, Trường Tiểu học Phú Thứ, quận Cái Răng thiếu nước. Mới đưa vào sử dụng chưa lâu, cửa nhà vệ sinh ở một điểm trường của Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung đã bị lủng lỗ. Ở Trường THCS Hưng Phú, quận Cái Răng, được trang bị cùng lúc 2 máy nước tiệt khuẩn, với kinh phí hơn 60 triệu đồng nhưng chỉ có 1 máy có nước. Nhà vệ sinh, hệ thống nước tiệt khuẩn thì đầy đủ nhưng ở một số nơi, học sinh vẫn chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung nên sau khi sử dụng nhà vệ sinh, không dội rửa, gây dơ bẩn, hôi hám. Chính vì vậy, ở nhiều trường, dù nhà vệ sinh mới, được lát gạch men nhưng không ai dám vào vì bẩn.
Một trong những lý do mà các đơn vị này giải thích là do không đủ kinh phí để thuê, mướn người thường xuyên dội rửa, học sinh thì không có ý thức… Thế nhưng, khó chấp nhận cách giải thích này. Bởi kinh phí thuê người có thể vận động phụ huynh vì đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Về vấn đề ý thức học sinh là trách nhiệm của từng giáo viên và nhà trường. Bởi không giáo dục được học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ý thức bảo vệ của công… ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài sau này của các em.
Tiếc cho những nhà vệ sinh được xây dựng hàng trăm tỷ đồng nhưng sử dụng không hiệu quả. Đáng lo hơn nữa là ý thức trách nhiệm của các em học sinh chưa được dạy dỗ để các em hình thành khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bảo Ngọc