Thứ năm, 4/2/2016, 11h35

Trường Mầm non 13, Q.Tân Bình: Tự hào "ươm mầm xanh" cho Tổ quốc

Trường Mầm non 13, Q.Tân Bình
Trong nghề nghiệp, tôi đã đến hàng trăm ngôi trường lớn nhỏ, mỗi nơi đều cho tôi rất nhiều cảm xúc nhưng có lẽ khi đến với ngôi trường này, dù chỉ là một lời nhắc nhở nhỏ nhẹ nhưng ân cần của các thầy cô nơi đây, đã tạo cho tôi một ấn tượng khó quên.
Đơn giản như: “Thầy” ơi, “thầy” vào lớp mà quên cởi giày kìa... Ở đây từ thầy cô, bảo mẫu đến phụ huynh và học sinh đều để giày, dép ở ngoài bậc tam cấp trước khi vào lớp “thầy” ạ!
Việc tưởng nhỏ nhưng ý nghĩa lớn
Từ phụ huynh đến học sinh, ai cũng tự giác để dép ở ngoài bậc tam cấp và tủ đồ giữ gìn vệ sinh chung
Bé tập làm bác sĩ
Một chút bối rối nhưng trước lời nói nhỏ nhẹ, dịu dàng của cô nhân viên y tế trường, tôi bình tĩnh tháo giày để đúng nơi quy định và bước vào phòng tiếp khách của trường. Mọi thứ trong phòng thật ngăn nắp, gọn gàng, ly tách trà mời khách bóng loáng, sạch sẽ. Đang mải ngắm mọi thứ xung quanh, tôi giật mình khi có tiếng nói nhỏ bên tai: “Nhà báo đang nghĩ gì, đừng trách sự đón tiếp chưa được chu đáo của nhà trường nhé?”. Tôi nhận ra cô Nguyễn Thị Thanh Nhã - Hiệu trưởng nhà trường. Tôi thật thà thú nhận: “Em cũng hơi bất ngờ nhưng quả thật, đi từ ngoài sảnh qua các phòng học, dãy hành lang rồi đến phòng tiếp khách, nhà trường sắp xếp trang thiết bị dạy học, nơi ăn ngủ, chỗ vui chơi cho trẻ thật gọn, thật khoa học và sạch sẽ. Em ước nhà mình ở phường 13 để cho con theo học tại trường, dù đi làm hay đi công tác, em cũng yên tâm”. Cô Nhã cho biết: “Những năm trước, trường chưa được xây mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy - học còn thiếu và tạm bợ, nhà trường cũng đã giữ được nếp vệ sinh trong lớp ngoài sân cho trẻ. Bởi chúng tôi quan niệm: Nơi trẻ đến học tập là mái nhà thứ hai của các bé, nên dù khó khăn về cơ sở vật chất nhà trường vẫn đảm bảo chỗ học thông thoáng, sạch, đẹp cho trẻ. Đến năm 2014, trường mới được khánh thành với những mảng cây xanh rợp bóng mát và những phòng học đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi… phục vụ cho 18 nhóm lớp (3 nhóm nhà trẻ và 15 lớp mẫu giáo) với hơn 700 trẻ. Nề nếp trong việc giữ gìn vệ sinh, an toàn cho trẻ càng được nâng cao”. 
Bật mí về sự đồng thuận của phụ huynh trong việc “tưởng nhỏ mà không nhỏ” này, cô Nhã chia sẻ: “Những bé bắt đầu vào học lớp mầm và mẫu giáo 5 tuổi tại trường, chúng tôi đều chủ động tuyên truyền, phổ biến và khích lệ phụ huynh thực hiện bỏ giày, dép ngoài bậc tam cấp khi đưa đón con đến trường. Tất cả phụ huynh đều hoan nghênh và ủng hộ. Tất nhiên, cũng có một vài phụ huynh “lơ đễnh” hay do vội nên khi dẫn con vào lớp cả phụ huynh và trẻ đều mang giày, dép. Phát hiện sự việc, giáo viên và nhân viên nhẹ nhàng nhắc nhở, không có chuyện la to với trẻ hay phụ huynh. Chính tinh thần làm việc như vậy nên chỉ mất thời gian ngắn phụ huynh và học sinh đã hỗ trợ nhà trường làm tốt quy định đã đặt ra”.
Cán bộ - giáo viên - nhân viên nhà trường luôn vệ sinh sạch sẽ trường lớp
Hay bởi vì em quá yêu thương
 
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhã - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Hơn ai hết, chúng tôi những người làm công tác quản lý hiểu rằng: Giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần có cái tâm yêu thương trẻ, mà luôn cần một nghị lực vững vàng vượt qua những khó khăn để trở thành một cô giáo, người mẹ thứ hai của trẻ. Những bạn trẻ đang có ước muốn trở thành giáo viên mầm non phải trang bị cho mình một cái tâm trong sáng, lòng nhiệt huyết, tình yêu trẻ và phải có nghị lực, ý chí kiên định để vượt qua áp lực công việc. Khi đã được trang bị đầy đủ, thì những người đang chuẩn bị bước vào nghề sẽ xứng đáng là những người ươm mầm xanh cho Tổ quốc”.
Vâng, chính tinh thần “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, từ việc dạy trẻ tính tự giác trong giữ gìn vệ sinh chung mà mỗi lớp học, khu vui chơi... đều được trẻ giữ gìn như tài sản trong gia đình mình. Đặc biệt, các bé biết bảo ban, nhắc nhở nhau nếu không may có bạn “quên”. Chị Nguyễn Mai Lan (có con học lớp Lá 2) cho biết: “Đưa con đến trường hay đón con về, đôi dép của con luôn được giữ gìn thật sạch và tự tay con sắp xếp đúng vị trí để dép tại lớp hoặc ở nhà. Phụ huynh chúng tôi không gì mừng hơn thế”. Anh Hoàng Hữu Lượng (có con học lớp Chồi) cho biết thêm: “Hữu Nhân (con anh Lượng - PV) là một đứa trẻ tinh nghịch, ham vui nhưng riêng việc sắp xếp đồ dùng học tập của mình là tự tay làm, nhất quyết không chịu để bà hoặc mẹ đụng vô. Cháu lý giải: Con muốn đồ đạc của mình phải gọn gàng, ngăn nắp vì trên lớp cô luôn khuyến khích con và các bạn ai làm đúng, giữ vệ sinh sạch sẽ đều được tuyên dương, khen thưởng”.
Cô Võ Thị Tuyết Nga (giáo viên lớp Lá 1 - đạt giải 3 tại hội thi Giáo viên dạy giỏi Q.Tân Bình năm học 2015-2016) chia sẻ: “Làm giáo viên mầm non là “làm dâu trăm họ”, những ngày đầu tới lớp, tôi ngỡ ngàng vì tất cả không phải đều giống như mình tưởng. Một ngày bên trẻ: Bé thì khóc thét, bé thì chạy tới chạy lui, có bé ngồi một mình “suy tư”; bé thì ói, rồi đòi đi vệ sinh… Sau đó là việc chăm sóc các bé từ giờ ăn đến giấc ngủ, chưa kịp nghỉ ngơi lại bắt tay soạn giáo án, làm học cụ cho tiết học ngày hôm sau. Thực sự, giáo viên mầm non rất vất vả, biết bao khó khăn, lo toan, áp lực nhưng vượt qua tất cả, tôi và những đồng nghiệp khác luôn dành cho trẻ “tình yêu thương của người mẹ thứ hai”. Những lúc vui - buồn, có đồng nghiệp chia sẻ, phụ huynh quan tâm, đặc biệt các bé luôn nũng nịu, mọi vất vả, mệt mỏi đều qua hết bởi chúng tôi: “... Hay bởi vì em quá yêu thương. Những đôi môi đỏ, những đôi má tròn. Em yêu từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọt sương””.
An Khánh