Thứ năm, 22/4/2010, 09h04

Trường mầm non quốc tế - Chất lượng có xứng tầm?

Ngày 20-4, Sở GD-ĐT TPHCM đã mời 36 trường mầm non quốc tế (MNQT) trên địa bàn TPHCM dự họp giao ban. Đây là lần đầu tiên sở tổ chức giao ban đối với khối trường này nên đã có nhiều vấn đề được các trường đặt ra kiến nghị sự hỗ trợ của ngành giáo dục để các trường hoạt động tốt hơn.
Điều phải khẳng định là với hàng loạt lợi thế: sĩ số lớp học ít, GV đạt chuẩn, điều kiện chăm sóc và giảng dạy chất lượng cao, nên nhu cầu gửi con ở các trường MNQT ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, còn không ít dấu hỏi đặt ra trước loại hình đào tạo còn mới mẽ này. Thứ nhất, tuy đồ dùng dạy học của các trường MNQT hiện đại, đội ngũ GV ân cần nhưng đa số trường MNQT có cơ sở vật chất không rộng thoáng. Chị Hoàng Yến, quận 1 thất vọng: Học phí cao nhưng chương trình học bình thường, chưa thể gọi là trường quốc tế mà chỉ ở mức chất lượng cao.
Do nhiều trường MNQT phải thuê mướn cơ sở nên học phí hàng tháng không rẻ, giá thấp nhất là 300 USD/tháng, chưa tính tiền ăn. Nhưng chất lượng thật sự của trường có… quốc tế thật sự không thì PHHS không biết, ngay cả nhà trường cũng băn khoăn.
Đại diện một trường MNQT cho biết: “Trường sử dụng chương trình nước ngoài nên phải tuyển GV nước ngoài. Những GV này chỉ có một số bằng cấp về ngoại ngữ, được cấp phép lao động ở Việt Nam. Nhà trường nắm được nội dung giảng dạy của GV nhưng bản thân GV giảng dạy như thế nào thì trường còn nhiều khúc mắc”.
Yếu tố “hút” PHHS nhất chính là HS được học tập trong môi trường 100% tiếng Anh, nền tảng để giúp trẻ phát triển ngoại ngữ sau này. Tuy nhiên, có trường quảng cáo là trường quốc tế, nhưng chỉ “quốc tế” trên bảng hiệu còn thực chất hầu hết GV là người Việt. Không những thế, GV ở các trường còn biến động khiến trẻ khó thích nghi.
Chị Thanh Nga, PHHS Trường MNQT B., quận Tân Bình than: “Lớp con tôi đã có 3 cô giáo nghỉ. GV thay đổi liên tục, lớp đã hai lần tách rồi lại nhập lớp. Nếu GV thay đổi hoài sẽ không sâu sát được với trẻ”.
Bà Hoàng Thị Anh Minh, Trường Mầm non tư thục Montessori cũng cho rằng: “Nhu cầu mở trường quốc tế hiện nay rất đông, tuy nhiên, hiện nay chúng tôi rất khó khăn trong việc tuyển và giữ chân giáo viên. Hầu hết chủ yếu là tuyển giáo viên ngoại ngữ nhưng lại thiếu chuyên môn về phương pháp sư phạm mầm non”.
Nguyên nhân không tuyển được giáo viên nước ngoài cũng được bà Nguyễn Thị Thu Mai, trường mẫu giáo Bình An (trường của Hàn Quốc) nêu khó khăn: Xin giấy phép lao động cho giáo viên mầm non người nước ngoài hầu như không thể xin được, rất nhiều cô đã phải về nước. Vì theo quy định của Sở Lao động Thương binh - Xã hội TPHCM giáo viên người nước ngoài dạy học tại Việt Nam được cấp phép phải có bằng đại học trong khi đó các cô chỉ có bằng trung cấp sư phạm mầm non hoặc chứng chỉ Montessori (chứng chỉ quốc tế về mầm non được công nhận trên thế giới) nhưng vẫn không xin được giấy phép.
Trong khi đó ở hệ thống trường mầm non của Việt Nam vẫn chỉ đòi hỏi giáo viên tối thiểu là trình độ trung cấp. Như vậy, làm sao chúng tôi có thể tuyển được giáo viên, đề nghị sở GD-ĐT hỗ trợ chúng tôi trong vấn đề này?
Về việc tuyển giáo viên là người nước ngoài, bà Thanh cho biết, Sở GD sẽ tham mưu và kiến nghị với Sở Lao động Thương binh - Xã hội cấp phép lao động cho những giáo viên người nước ngoài có trình độ Trung cấp sư phạm hoặc chứng chỉ Montessori vì đây là chứng chỉ mầm non đã được công nhận trên thế giới, học chương trình này trẻ sẽ phát triển tư duy rất tốt. 
LÊ LINH / SGGP