Thứ sáu, 2/12/2011, 14h12

Trường mầm non quốc tế: Học phí cao ngất, chất lượng… hên xui

Trong mấy năm gần đây, hệ thống các trường quốc tế, đặc biệt là các trường mầm non (MN) mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, chất lượng thì gần như vẫn bị thả nổi mà học phí lại cao ngất.

Chưa xứng tầm

Hiện chưa có một thống kê cụ thể về các trường MN quốc tế trên địa bàn TPHCM nhưng theo ước tính của chúng tôi, con số không dưới 50 trường. Từ trường được đầu tư với nguồn kinh phí cực lớn, đến những trường tầm tầm, bậc trung đều thi nhau quảng cáo về chương trình giảng dạy tiên tiến của mình.

Chất lượng giáo viên trường mầm non quốc tế chưa được kiểm định.

Trường thì quảng cáo dạy bằng phương pháp Montessori với lời quảng cáo: Chương trình học hiện đang được áp dụng trên hơn 5.000 trường học ở Mỹ và Canada. Trường thì dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với sự tương tác và các chương trình tiên tiến được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục quốc tế cho học sinh ngay từ lứa tuổi lớp lá.

Trường khác dạy theo chương trình song ngữ với chuẩn giáo dục theo hệ thống giáo dục Anh quốc hay chương trình International Baccalaureate. Phương pháp thì đủ các kiểu, nhưng chẳng mấy phụ huynh kiểm định được chất lượng. Vì thật ra ở các trường vẫn chưa có chuẩn quy ước nào để xác định.

Có mặt ở buổi học thử của các cháu lớp chồi, lớp lá tại một trường MN quốc tế trên ở quận 3. Chúng tôi hơi ngạc nhiên vì chứng kiến cảnh các cháu đang được giáo viên dạy bằng tiếng Anh. Với nhiều phụ huynh thì đây là môi trường lý tưởng. Nhưng khi nhìn các cháu vui đùa, học tập một cách hồn nhiên, với những phát âm ngọng nghịu theo thầy, chúng tôi chợt nghĩ, không biết các cháu tiếp thu được bao nhiêu trong độ tuổi mới chớm hình thành nhận thức và nhân cách của mình.

Tuy nhiên, đây lại chính là yếu tố thu hút phụ huynh khi quyết định đưa các cháu đến học ở các trường MN quốc tế, dù giá cả học phí hàng tháng không phải rẻ. Phần lớn phụ huynh khi gửi con mình vào các trường chất lượng như trên vẫn thường nghĩ đơn giản rằng: đưa con vào học trong môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ sẽ giúp các cháu có được một nền tảng tiếng Anh vững chắc sau này khi bước vào lớp 1. Nhưng chất lượng thực tế ra sao, con em họ tiếp thu Anh ngữ có giống những đứa trẻ bản xứ hay không họ cũng không thể biết…

Điểm mạnh của các trường MN quốc tế hiện nay so với các trường MN công lập là các cháu được học đủ thứ. Ngoài việc được học tập trong môi trường quốc tế thông qua kênh giao tiếp chủ yếu là nghe và nói bằng tiếng Anh, các cháu còn được nhà trường dạy vẽ, học tô màu, xếp hình, học chương trình tiếng Anh ESL, làm quen với âm nhạc thông qua hình thức dạy các cháu tập đàn hát cũng như vui chơi trên máy vi tính, cùng các hình thức sinh hoạt ngoại khóa.

Chính bởi những môn học “chất lượng” kèm theo như vậy, nên giá cả của những trường MN quốc tế so với mặt bằng chung là rất cao và chẳng nơi nào giống nơi nào. Mức thu học phí các trường hiện nay dao động từ khoảng 225 - 700 USD/tháng hoặc từ 6.300 - 9.000 USD/năm đối với hệ 100% tiếng Anh. Riêng hệ song ngữ rẻ hơn, với mức học phí dao động từ 3.600 - 4.200 USD/năm.

Học phí cao, nhưng cơ sở vật chất một vài nơi vẫn còn khá hạn hẹp, thiếu mảng xanh, khuôn viên vận động cho học sinh rất hạn chế, sĩ số lớp vài nơi chưa đảm bảo 15 cháu/lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên người nước ngoài thì vô chừng… Và nếu xét ở mức độ chuẩn, một loạt trường MN mang danh quốc tế khác như Panda…,Th.A. N.H, Ng.Nh.Nh với những hạn chế trên, chưa xứng đáng được gọi là trường quốc tế.

Cần thận trọng

Khi gửi con ở các trường quốc tế, điều phụ huynh mong mỏi không gì khác là sự vượt trội của con họ so với những đứa trẻ khác ở nhiều mặt. Từ chuẩn tiếng Anh, kỹ năng sống và trưởng thành, đến các mặt về văn thể mỹ và năng khiếu… Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, phần nhiều các phụ huynh vẫn đánh giá dựa trên cảm tính mà chẳng có một căn cứ hay nguyên tắc xác định nào.

Chị Nguyễn Thu Ngọc, mẹ của bé Kim đang gửi tại Trường MN quốc tế Ngôi Sao Sáng nhận xét: “Chất lượng phục vụ của các trường MN quốc tế theo tôi tất nhiên phải tốt hơn so với các trường công lập, bởi sĩ số lớp học ít hơn, sự quan tâm chăm sóc của giáo viên cũng nhiều hơn. Hơn nữa, các cháu lại được học tập trong môi trường 100% tiếng Anh”. Nhưng khi tôi hỏi đến chất lượng bữa ăn, chất lượng học tập, các hoạt động văn thể mỹ, phát triển kỹ năng và năng khiếu của các cháu có tương xứng với số tiền bỏ ra không thì chị không thể khẳng định. Bởi đơn giản chị cũng chỉ nắm thông tin qua cô giáo và nhà trường.

Anh Hoàng Bình Trọng, phụ huynh của hai bé đang học ở MN Hoa Hồng, thì có sự đánh giá thực tế hơn bằng sự đối chiếu. Anh cho biết, hai con anh cũng vừa được chuyển qua từ một trường MN quốc tế ở quận 3.

“Tôi từng cho hai cháu theo học ở trường chất lượng quốc tế với giá khá cao. Nhưng sau một thời gian theo dõi, thấy khả năng giao tiếp, vốn ngôn ngữ tiếng Việt, sự tư duy sáng tạo, đặc biệt là khả năng Anh ngữ của các cháu so với hai cháu bé học trường MN công lập gần nhà chẳng khá hơn là mấy nên tôi quyết định chuyển cháu qua đây. Học phí chỉ có 1,3 triệu đồng/tháng nhưng thấy có tiến bộ rõ rệt, hai cháu còn có vẻ vui hơn vì được nói chuyện bằng tiếng Việt với cô giáo” - anh Trọng vừa cười vừa nói.

Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo khảo sát tình hình thực tế của chúng tôi, số lượng trường MN quốc tế, kể cả trường thu phí cao đang gia tăng rất nhanh chóng từ nội cho đến ngoại thành. Tuy có những ưu thế rõ ràng về mặt cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ của giáo viên so với các trường MN công lập, nhưng không phải vì thế các trường MN quốc tế không có những hạn chế. Điển hình là phương pháp dạy hiện nay ở các trường MN quốc tế không khác gì mấy trường MN công lập nhưng học phí thì gấp 10 lần.

Mặt khác, do mặt bằng chủ yếu đi thuê nên giá học phí bị đẩy lên khá cao. Nhiều trường diện tích sân chơi rất nhỏ, thiếu mảng xanh học đường theo quy định nên không thể trang bị những đồ chơi mang tính vận động cho các em. Chính vì thế nhiều trường tuy thu học phí cao nhưng chất lượng chưa xứng tầm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần xem xét kỹ các yếu tố đảm bảo đến chất lượng giáo dục cho các cháu như: môi trường học tập, diện tích lớp học, sĩ số, đồ chơi, chất lượng bữa ăn, chất lượng giáo viên... trước khi làm thủ tục đăng ký nhập học.

Anh Nguyễn (SGGP)