Thứ sáu, 11/6/2010, 09h06

Trường nghề lao đao

Số lượng học sinh nhập học ngày càng giảm. Tỉ lệ bỏ học ở mức khá cao. Việc quản lý đào tạo gặp nhiều khó khăn do học sinh không thật sự mặn mà. Cơ chế chính sách còn vướng mắc chưa có lời giải đáp.
Học sinh Trường trung cấp nghề Khôi Việt trong giờ thực hành. Việc tuyển sinh của trường hiện gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: M.G.
Đó là một số trong nhiều khó khăn mà các trường trung cấp nghề đang phải đối mặt. Thậm chí có hiệu trưởng còn bi quan: chắc phải đóng cửa trường!
Bỏ học phân nửa
Ông Hà Kim Vọng - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề du lịch Khôi Việt (TP.HCM) - cho biết trong ba năm gần đây, số lượng học sinh nhập học vào trường giảm liên tục. Năm 2008 tuyển được 615 học sinh, năm 2009 giảm còn 390 và đến tháng 4-2010 mới chỉ tuyển được 68 học sinh. Trong đó ngành hướng dẫn viên du lịch không có học sinh nào theo học!
Tương tự, số học sinh nhập học vào Trường trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn năm 2008 là 1.504, năm 2009 giảm còn 1.030 học sinh.
Nhiều trường trung cấp nghề khác cũng trong tình cảnh tương tự. Đại diện một trường nghề cho biết trường đã sử dụng hết các phương thức để tiếp cận, tư vấn nhưng số học sinh nhập học ngày càng vơi dần.
Ông Vọng bi quan: “Số lượng học sinh như thế này chắc trường phải đóng cửa bởi không đủ chi phí”.
Tự thân vận động
Thành viên Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - chia sẻ: trong lúc chờ có quy chế chung về việc liên thông ĐH, các trường cần phải tự thân vận động. Năm nay học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề được dự thi ĐH là điều khởi đầu. Trường nghề và các trường ĐH thuộc Bộ GD-ĐT cần ngồi lại bàn bạc xem khung chương trình đào tạo cần bổ sung những gì, thời lượng thực hành, lý thuyết ra sao để có ý kiến đề xuất. Hội đồng ĐH TP sẽ sớm tổ chức hội thảo để bàn về vấn đề này và có văn bản kiến nghị chính thức gửi Bộ GD-ĐT.
Không chỉ tuyển sinh khó, việc giữ chân học sinh cũng là điều khó khăn bởi tỉ lệ bỏ học rất cao. Không ít học sinh chỉ coi trường nghề là nơi dừng chân tạm để chuẩn bị một con đường khác.
Đại diện Trường trung cấp nghề kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng cho biết dù tuyển đầu vào đảm bảo chỉ tiêu nhưng tỉ lệ học sinh nghề bỏ học lên đến 50-60%. Tỉ lệ này tại Trường trung cấp nghề Nhân Đạo khoảng 30%.
Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Du lịch Sài Gòn - cho biết nhiều học sinh chọn trường nghề như một trạm dừng chân tạm thời để chờ tiếp tục thi ĐH, CĐ, hợp pháp hóa việc hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không nghĩ đây là nghề gắn bó.
"Bí" lối liên thông
Bà Nguyễn Thị Hồng Bích, phó phòng đào tạo Trường trung cấp nghề Nhân Đạo, cho biết với những học sinh tốt nghiệp THPT, việc quản lý tương đối dễ dàng do các em đã xác định đi học nghề. Trong khi học sinh tốt nghiệp THCS rất khó quản lý bởi các em đã chán ngán việc học văn hóa nên bỏ bê học hành.
Một trong những lý do được các trường nghề đưa ra để lý giải cho những khó khăn hiện nay là việc “bí” đường liên thông lên ĐH. Hiện nay ở hệ đào tạo nghề, học sinh chỉ có thể liên thông lên bậc CĐ, chưa có ĐH nghề. Đây là một trong những yếu tố khiến học sinh chưa quan tâm đến trường nghề, nhất là trong điều kiện bằng cấp vẫn còn được đặt nặng như hiện nay.
Bà Bích cho biết hầu hết phụ huynh không muốn con mình làm thợ nên đặt yêu cầu liên thông ĐH. Tuy nhiên, hiện nay tốt nghiệp trường nghề chỉ có thể liên thông ĐH khối K tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng số ngành nghề khá ít và chỉ tiêu không nhiều.
Bà Xuân đề xuất nên sớm có ĐH nghề để giải quyết bài toán liên thông. Bên cạnh đó, bà cũng kiến nghị đưa trường nghề vào hệ thống tuyển sinh quốc gia - có mã trường, xây dựng cơ chế xét tuyển nguyện vọng.
Hiện nay mỗi trường vẫn đang tự xoay xở tuyển sinh. Các trường dạy nghề ngoài công lập cũng cần được quan tâm, được tham gia các dự án do Nhà nước tiến hành như dự án tăng cường năng lực dạy nghề.
 MINH GIẢNG / Tuoi Tre