Thứ sáu, 30/8/2013, 10h08

Trường nghề rộng cửa đón học sinh

Học viên Trường TCN Việt Giao trong giờ thực hành
Hiện nay, cánh cửa vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN) đang rộng mở để thí sinh có điểm thi dưới sàn ĐH, CĐ lựa chọn một ngành nghề thích hợp theo học.
Học nghề không lo thất nghiệp
Thực tế hiện nay, do tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” tại các doanh nghiệp nên đa số người học ĐH, CĐ tốt nghiệp ra trường rất khó tìm được việc làm thích hợp, trong khi các kỹ thuật viên có tay nghề lại được nhà tuyển dụng săn đón, tuyển dụng từ khi mới đi thực tập. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhân lực cho rằng, các thí sinh không đậu ĐH, CĐ có sức học hạn chế nên chọn cho mình một ngành nghề thích hợp để theo học và làm hành trang bước vào đời.
Hiện nay có nhiều ngành nghề tại các trường TCCN, TCN, CĐN đào tạo rất “hot”, người học ra trường dễ tìm được việc làm lại có mức lương và thu nhập ổn định (từ 4-6 triệu đồng/người/tháng). Cụ thể, những ngành nghề đang được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều gồm: Chế tạo thiết bị cơ khí, điện công nghiệp, kỹ thuật sửa chữa máy may công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, chế biến thực phẩm, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, quản trị du lịch - khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, công nghệ ô tô…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc điều hành Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ Sài Gòn - Biên Hòa, cho biết: “Năm 2012, sau khi khánh thành bệnh viện, chúng tôi tuyển dụng trên 200 nhân viên điều dưỡng và hộ sinh, hồ sơ dự tuyển trên 1.000 bộ nhưng kết quả tuyển dụng chỉ có gần 100 nhân viên. Rất nhiều ứng viên có học vị cao như thạc sĩ hoặc cử nhân nhưng lại thiếu kỹ năng mềm. Làm việc tại bệnh viện, hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân và người thân của họ, người điều dưỡng hoặc hộ sinh thiếu kỹ năng mềm thì không thể làm việc được. Trong số gần 100 nhân viên chúng tôi tuyển được thì có khoảng 60% là tốt nghiệp TCCN. Chúng tôi không quan trọng bằng cấp, điều mà chúng tôi mong muốn là kỹ năng mềm thì đa số các ứng viên tốt nghiệp TCCN hoặc sơ cấp lại đạt được”. Ông Trương Tuấn Kiệt, giảng viên Trường TCN Việt Giao, chia sẻ: “Bộ phận quan hệ doanh nghiệp của Trường Việt Giao liên tục đến gặp trực tiếp các doanh nghiệp để xác định nhu cầu nhân lực mà doanh nghiệp cần. Vì vậy, khi học viên ra trường chúng tôi đã có sẵn đơn đặt hàng lao động. Đây là việc làm rất thiết thực mà trường đã thực hiện được trong những năm qua nhằm giúp học viên tự tin theo đuổi nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động tìm tới trường để tuyển dụng. Do đó, năm nào trường cũng có trên 90% học viên tìm được việc làm ngay sau khi ra trường, những học viên còn lại tự tin mở công ty, doanh nghiệp hoặc tham gia xuất khẩu lao động tại nhiều nước như Úc, Hàn Quốc…”.
Mỗi năm cần 40.000 lao động kỹ thuật
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, mỗi năm thành phố cần tuyển mới khoảng 128.000-130.000 lao động, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ CĐ đến trên ĐH chỉ gần 30%; còn lại là lao động phổ thông và thợ có tay nghề, kỹ thuật viên chiếm đến gần 70% tổng nhu cầu. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm cho hay, riêng tại TP.HCM cần tuyển thêm mỗi năm khoảng 40.000 lao động có trình độ tay nghề từ TCCN đến CĐN. Những ngành nghề được dự báo có sức hút nhân lực cao trong những năm tới gồm: Marketing, bán hàng, dịch vụ - du lịch, nhà hàng - khách sạn, mầm non, điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ, kế toán doanh nghiệp, công nghệ thông tin, điện công nghiệp, xây dựng, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực… Trong khi đó, theo khảo sát từ các trường TCCN, TCN, CĐN trên địa bàn thành phố, số học viên học các ngành kỹ thuật tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đạt trên 90%, các ngành khác tỷ lệ này là gần 75%. Theo TS. Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐN TP.HCM, học viên tốt nghiệp hệ TCN có tỷ lệ tìm được việc làm thấp hơn hệ CĐN, nguyên nhân là do có nhiều học viên vừa tốt nghiệp lại đăng ký học tiếp lên hệ CĐ.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho biết: “Kế hoạch tuyển sinh năm học 2013-2014 của các trường có đào tạo nghề trên địa bàn thành phố dự kiến như sau: Hệ CĐN tuyển sinh gần 21.000 chỉ tiêu; hệ TCN tuyển 15.095 chỉ tiêu”.
Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp nhân lực Le & Associates (L&A), cho biết: “Hiện nay nhu cầu về nhân lực kỹ thuật ngày càng tăng cao, người học các trường TCCN, TCN, CĐN rất dễ tìm được cho mình một ngành nghề phù hợp. Mới đây, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật cao đón đầu việc mở cửa thị trường lao động ASEAN vào năm 2015, L&A đã chủ động ký kết “thỏa thuận hợp tác cùng đào tạo và tuyển dụng các học viên ngành điều dưỡng, y tá, hộ sinh… Những học viên này sau khi ra trường có kết quả học tập xuất sắc sẽ được L&A tuyển dụng để đưa đi làm việc tại các bệnh viện ở Việt Nam và các nước ASEAN”.
Bài, ảnh: Huy Cận
“Trước đây nhiều người vẫn cho rằng học nghề, nhất là những nghề liên quan đến máy móc như cơ khí thì quần áo luôn lấm lem dầu mỡ. Nhưng hiện nay nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật với nhiều máy móc hiện đại nên công việc của công nhân cơ khí đã được cải thiện”, ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp nhân lực Le & Associates (L&A), nói.