Thứ hai, 24/9/2012, 16h09

Trường nghề trầy trật tuyển sinh

Để đối mặt với áp lực tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi vẫn phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề phải ngày càng năng động trong cách tổ chức tuyển sinh: liên kết để tuyển sinh, chia thành nhiều đợt tuyển, “tự tiếp thị” về tận xã và thậm chí cả miễn giảm phí tuyển sinh...

Mở rộng “tiếp thị trường”
Nguồn tuyển sinh cho các trường nghề nhiều năm qua là vấn đề nan giải. Chẳng hạn trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội năm nay tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên thành 2.400 chỉ tiêu ở các nghề: công nghệ thông tin, đồ họa, điện - điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, nghề cơ khí...

Xã hội còn nặng tâm lý trọng bằng cấp thì lựa chọn học nghề vẫn là lựa chọn thứ yếu. Trong ảnh là giờ thực hành nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hải Phòng. Ảnh: Theo baohaiphong.com.vn

Để đảm bảo được chỉ tiêu đó, Ban giám hiệu trường này đã phải huy động toàn lực cho công tác tuyển sinh. “Kênh” đầu tiên mà trường thực hiện là phát tờ rơi thông báo tuyển sinh đến từng học sinh trước khi nghỉ hè, nhờ các em về quê giới thiệu cho bạn bè, anh chị em nếu có nhu cầu học. Bên cạnh đó, năm nay, do nắm bắt được nhu cầu học nghề của một số địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp, trường đã làm việc với chính quyền các xã này để ký hợp đồng đào tạo nghề. Cụ thể, trường đã làm việc với UBND xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), mời lãnh đạo chính quyền xã về tham quan trường, hỗ trợ và hợp tác với trường trong công tác tuyển sinh.
Trường cũng áp dụng miễn phí hồ sơ và lệ phí tuyển sinh cho các thí sinh. “Bình thường, như năm 2011, mỗi thí sinh muốn nộp hồ sơ phải nộp 20.000 đồng là phí hồ sơ và lệ phí tuyển sinh nhưng năm nay, Ban giám hiệu đã bỏ việc thu phí này. Bù lại, trường chúng tôi chủ trương tiết kiệm những khoản khác để có kinh phí cho việc tuyển sinh”, bà Tăng Thị Kim Thu, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý học sinh sinh viên (Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội) cho biết.
Đây là năm thứ hai Ban giám hiệu cử các giáo viên trẻ đi đến các huyện ngoại thành của Hà Nội để “tiếp thị trường” và mang hồ sơ đến tận các xã để phát cho thí sinh. “Năm ngoái trường đã thực hiện việc này nhưng chỉ làm ở các xã của huyện Đông Anh. Năm nay, chúng tôi mở rộng quy mô, đặc biệt hướng nhiều về các xã, các trường phổ thông của các huyện ngoại thành, thuộc tỉnh Hà Tây (cũ)”. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, việc làm này ít được chính quyền quan tâm. Các địa phương tỏ ra còn thờ ơ.
“Đến thời điểm này trường đã nhận được khoảng 1.000 hồ sơ. So với những trường chỉ mới 300 - 400 hồ sơ, kết quả này đã là một thành công ngoài mong đợi”, bà Tăng Thị Kim Thu nói.
Không khả quan như trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng nghề Thăng Long năm nay còn ảm đạm hơn. Xin phép không tiết lộ số hồ sơ nhận được cho đến giữa tháng 9, một đại diện của phòng Quản lý đào tạo cho hay: Tuy chỉ tiêu năm nay còn thấp hơn năm 2011 và trường đã vận dụng tất cả những cách có thể, sẽ tiếp tục tuyển sinh đến hết tháng 12/2012 nhưng “vẫn không ăn thua” và khả năng “không tuyển đủ chỉ tiêu” là điều đã được tính đến. Chính vì vậy, trường Cao đẳng nghề Thăng Long đang đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo với các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thừa nhận, hiện nay, công tác tuyển sinh của các trường nghề rất vất vả. Mặc dù “các điều kiện học tập của nhiều trường nghề rất tốt. Đặc biệt, những năm gần đây được nhà nước quan tâm, các thiết bị dạy nghề đã được hiện đại hóa so với trước”.

Cần nỗ lực không chỉ riêng trường nghề
“Tuyển sinh khó là nỗi vất vả chung của nhiều trường nghề, không riêng gì trường tôi. Bởi, các trường đại học, cao đẳng mở ra ngày càng nhiều, điểm xét tuyển rất thấp. Trong khi xã hội vẫn còn tâm lý chuộng bằng đại học. Vì thế, nguồn tuyển cho các trường nghề cũng hạn chế”, bà Tăng Thị Kim Thu chia sẻ.
Muốn hấp dẫn được thí sinh, các trường nghề đều xác định phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Thực tế, các trường đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề này. Tuy nhiên, để việc học nghề được quan tâm xứng đáng thì riêng nỗ lực trường nghề thôi là chưa đủ.
“Nếu chúng ta có chính sách phân luồng tốt hơn, như các nước khác, thì Nhà nước sẽ định ra tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT là bao nhiêu phần trăm, còn lại là đi học nghề. Nếu làm được như thế thì công tác tuyển sinh dạy nghề sẽ đỡ vất vả hơn”, ông Dương Đức Lân nói.
Bên cạnh việc phân luồng, điều căn bản là phải tạo một bước chuyển mạnh mẽ trong tâm lý và nhận thức của xã hội đối với học nghề. Theo ông Phạm Đức Vinh, một trong những khó khăn đầu tiên mà tuyển sinh trường nghề gặp phải là do xã hội vẫn còn nặng tâm lý bằng cấp. Đây là điều cần phải thay đổi. “Chúng tôi đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Họ chưa từng hỏi sinh viên của chúng tôi có bằng cấp gì. Điều mà họ quan tâm là kỹ năng và thái độ trong công việc. Chừng nào việc đánh giá con người còn qua bằng cấp thì chừng đó, việc học nghề vẫn chỉ là lựa chọn thứ yếu”, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội bày tỏ.

Mạnh Minh
Theo báo Tin Tức