Thứ sáu, 18/2/2011, 11h02

Trường “quốc tế” trả lương cho giáo viên bao nhiêu?

Trong vài năm gần đây, hàng loạt trường phổ thông gắn mác “quốc tế” liên tục ra đời. Với mức học phí vài nghìn USD/ năm/ học sinh, các trường này trả lương cho giáo viên như thế nào?
Khó khăn kiếm giáo viên

Bà Đặng Thị Oanh - Trưởng ban Đào tạo Trường phổ thông quốc tế Wellspring (Hà Nội) cho biết trường sẽ bắt đầu tuyển sinh từ tháng 3 này, nhưng nhà trường đã triển khai việc tuyển giáo viên từ tháng 7.2010. Giáo viên nước ngoài là các giáo viên bản ngữ (tiếng Anh), có chứng chỉ giáo dục. Giáo viên trong nước, bà Oanh thẳng thắn, là từ nguồn giáo viên của các trường tiểu học, THCS, giáo viên đã nghỉ hưu có nhiều thành tích trong giảng dạy trên địa bàn Hà Nội, sinh viên tốt nghiệp khá giỏi.
Thu nhập giáo viên trường phổ thông “quốc tế”:
Đây cũng là “con đường” tìm kiếm giáo viên chung của các trường “quốc tế” ở Hà Nội. “Đội ngũ giáo viên là vấn đề đối với tất cả các trường tư thục và quốc tế” - bà Oanh khẳng định. Các trường phải thu hút giáo viên bằng hai chính sách: Chế độ tiền lương và tạo điều kiện bồi dưỡng cho giáo viên.
Theo bà Oanh, muốn tuyển giáo viên có kinh nghiệm chỉ nhìn được vào số giáo viên đã về hưu. Những giáo viên này có kinh nghiệm, có thành tích trong giáo dục nhưng có hạn chế là chỉ tham gia được thời gian ngắn do tình trạng sức khỏe, tiếp nhận đổi mới phương pháp hay công nghệ thông tin hạn chế. Giáo viên trẻ mới ra trường có hạn chế là chưa có kinh nghiệm nhưng ưu điểm là năng động, nhạy bén. Đối với giáo viên thỉnh giảng có thực tế hiện nay là giáo viên uy tín rất đắt sô nên chính sách thu hút chính là bằng tiền lương vì ai cũng có quyền lựa chọn nơi trả lương cao hơn.
Giáo viên lương nghìn đô
Vậy thì mức lương mà giáo viên trường “quốc tế” nhận được là bao nhiêu? “Do mức thu ở các trường ngoài công lập, thường được gắn với cái “mác” quốc tế cao hơn khá nhiều so với các trường công lập nên rất nhiều người vẫn lầm tưởng lương giáo viên cũng cao ngất ngưởng như học phí tại các trường này” - cô Nguyễn Thu  Hằng - giáo viên Trường quốc tế N.S tại TPHCM đã than thở như vậy.
Cũng theo cô Hằng, thu nhập của giáo viên tại trường cô đã tham gia giảng dạy không được công khai, lương ai người nấy biết, như cô có xấp xỉ 5 năm kinh nghiệm thì mức lương được trả là 350USD/tháng (thời điểm đó, tỉ giá USD ở mức xấp xỉ 16.000 đồng/USD) nên tổng thu nhập cũng chỉ vào tầm 5 triệu đồng. Mức lương này sẽ là cao so với trung bình của giáo viên trường công lập (trung bình 2,5 - 3 triệu đồng/tháng) song cường độ làm việc của giáo viên trường ngoài công lập bao giờ cũng cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, trung bình mỗi giáo viên có kiêm chủ nhiệm lớp sẽ phải làm việc đúng 8 tiếng (từ 8 giờ đến 16 giờ 30) và làm việc liên tục 5,5 ngày/tuần. Ngoài ra, không có chế độ nghỉ hè mà chỉ là nghỉ phép (từ 14 - 21 ngày/năm tùy vào cấp học). Như vậy, so với thời gian làm việc mỗi ngày và chế độ nghỉ hè của đa số các giáo viên trường công (đa số giáo viên chỉ dạy một buổi và nếu có kèm thêm việc chủ nhiệm lớp thì sẽ có thêm thu nhập và cũng chỉ thêm một số giờ nhất định chứ không phải làm việc liên tục 8 tiếng/ngày) thì mức thu nhập của giáo viên trường ngoài công lập sẽ không phải là cao.
Tuy nhiên không phải là không có những trường hợp giáo viên tại các trường quốc tế có mức lương rất hậu hĩnh. Ví như Trường quốc tế V.U  (TPHCM), mức thu nhập của giáo viên vào khoảng 10 triệu đồng/tháng khá phổ biến. Hoặc cao hơn, có trường F (quận 3 - TPHCM), mức thu nhập của giáo viên người Việt sẽ được tính tương đương với giáo viên người nước ngoài (nếu năng lực, công việc và vị trí của họ ngang nhau) và lên đến cả ngàn đô là chuyện không phải quá hiếm.
Mạnh dạn công khai mức lương cao nhất lên tới 23 triệu đồng/ người/tháng đối với giáo viên có kinh nghiệm và mức khởi điểm 7,5 triệu đồng/tháng cho giáo viên là sinh viên mới tốt nghiệp, bà Oanh cho biết đến nay Trường Wellspring đã tuyển được 80% giáo viên chuẩn bị khai giảng khóa đầu tiên cho năm học 2011 - 2012. Bà Lê Tuệ Minh - Giám đốc điều hành nhà trường còn cho biết nhà trường còn có chế độ cho vay để mua nhà, mua xe trả góp (nếu giáo viên có nhu cầu)...
Cùng với việc xã hội hóa để phát triển giáo dục thì quy luật cạnh tranh, đã  len vào từng trường, lớp. Chính vì thế, việc  từng giáo viên khẳng định “đẳng cấp”, “thương hiệu” qua trình độ chuyên môn của mình để từ đó có thể có được những thu nhập tốt nhất cũng là điều dễ hiểu. Và đứng ở một góc độ nào đó đánh giá, có thể xem đây là một trong những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển giáo dục.
Theo Lao Động