Thứ năm, 10/8/2017, 21h58

Trường sư phạm: Bao giờ thôi tuyển “chuột chạy cùng sào”?

Theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” thì đến năm 2030, nước ta phấn đấu có một nền giáo dục đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Liệu có thể đạt được không khi mà điểm chuẩn vào các trường sư phạm năm nay rất thấp, chỉ bằng điểm sàn ĐH (15,5 điểm). Thậm chí có một số ngành chỉ lấy 12 - 13 điểm. Còn hệ CĐ, có trường thông báo lấy thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn thi.

Chúng ta đều biết giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng của nền giáo dục. Nhưng với điểm đầu vào chỉ có hơn 3 điểm/môn thì đầu ra chắc chắn là không có chất lượng. Đầu ra không có chất lượng thì mục tiêu có một nền giáo dục đạt trình độ tiên tiến trong khu vực là điều không tưởng...

Quay lại vấn đề điểm chuẩn vào các sư phạm thấp. Phải chăng vì mặt bằng điểm chuẩn ĐH, CĐ năm nay quá thấp? Thật đáng tiếc là không. Rất nhiều trường ngoài sư phạm, có điểm chuẩn tăng tới 5 - 6 điểm so với năm ngoái.

Vậy thì lý do gì mà một ngành được gọi là thầy lại có điểm đầu vào thấp như vậy?

Nhiều người nói rằng do lương giáo viên thấp nên các trường sư phạm không tuyển được HS giỏi mà toàn phải tuyển những “con chuột chạy cùng sào”. Công bằng mà nói so với những công chức, viên chức ăn lương nhà nước khác thì lương giáo viên hoàn toàn không thấp. Các ngành nghề khác chỉ có lương, nhưng giáo viên ngoài lương còn có phụ cấp đứng lớp - từ 25 đến 50% tùy theo bậc học, nơi công tác. Ngoài ra từ năm 2011 đến nay, giáo viên còn có thêm phụ cấp thâm niên, cứ dạy đủ 5 năm (60 tháng) là được hưởng phụ cấp thâm niên 5%, từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm thêm 1%. Đó là chưa kể hiện nay hầu hết các trường đều dạy 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú nên giáo viên cũng có thêm một khoản thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng không phải là ít... Dạy thêm cũng là một cách tăng thu nhập chính đáng cho giáo viên. Tuy Bộ GD-ĐT cấm giáo viên dạy thêm nhưng chỉ cấm đối với các trường hợp tiêu cực, ép HS phải học thêm. Bởi vậy nguyên nhân lương giáo viên thấp nên các trường sư phạm “ế” hoàn toàn không thuyết phục.

Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giáo sinh ra trường không có việc làm. Rất nhiều cử nhân sư phạm phải đi bán rau bán cá ngoài chợ, vào các khu công nghiệp - khu chế xuất làm công nhân...

Làm sao mà không thất nghiệp khi mỗi năm các trường sư phạm cung cấp cho xã hội vài chục ngàn giáo sinh, còn các tỉnh, thành chỉ tuyển vài trăm người, nhiều nhất là TP.HCM cũng chỉ tuyển 3-4 ngàn giáo viên, trái lại có rất nhiều tỉnh không tuyển giáo viên nào.

Hiện nay đang có một sự bất hợp tác giữa trường sư phạm và sở GD-ĐT. Các trường sư phạm hầu như không quan tâm đến nhu cầu sử dụng của các sở GD-ĐT, họ cứ tuyển sinh - càng nhiều càng tốt, còn giáo sinh ra trường có việc làm hay không họ không quan tâm.

Bộ GD-ĐT đã siết chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm. Tuy nhiên mỗi trường siết vài chục chỉ tiêu thì chẳng thấm vào đâu so với thực tế tỉnh, thành nào cũng có ít nhất một trường sư phạm, đó là chưa kể nhiều thành phố lớn có tới  5 - 7 trường đào tạo giáo viên.

Để khắc phục tình trạng này nên chăng Bộ GD-ĐT “mạnh tay” quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Không nên tỉnh, thành nào cũng phải có ít nhất một trường như hiện nay. Trường sư phạm nên phân theo khu vực, 3 - 5 tỉnh lân cận có một trường là đủ. Và để được đào tạo giáo viên thì các trường sư phạm phải đạt chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Không những thế, các trường chỉ đào tạo theo nhu cầu của các sở GD-ĐT, không chạy theo chỉ tiêu như hiện nay. Một khi các trường sư phạm đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các sở GD-ĐT thì đương nhiên giáo sinh ra trường sẽ có việc làm. Không thất nghiệp, ngoài lương còn có thêm phụ cấp, trong quá trình học không phải đóng học phí, chắc hẳn ngành sư phạm sẽ trở thành ngành hot. Và lúc đó các trường sư phạm sẽ không rơi vào thảm cảnh cứ phải tuyển “chuột chạy cùng sào” như lâu nay. Song cái được lớn nhất là giáo dục Việt Nam có cơ hội sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiến tiến trong khu vực...

Hòa Triu