Thứ năm, 23/3/2017, 22h11

Trưởng thành từ công tác Đoàn: Bài 2: Sợi dây kết nối phong trào

Tròn 20 năm tham gia công tác quản lý nhưng đến nay nhà giáo Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, TP.HCM vẫn không thể quên thời gian gắn bó với phong trào Đoàn TNCS HCM thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

Thầy Định đang trao đổi công việc với trợ lý thanh niên Hoàng Công Trữ 

Không chỉ là những ký ức đẹp về sự xả thân mà hoạt động Đoàn còn là trường học gang thép giúp người cán bộ có thêm bản lĩnh và nhiệt tâm để cống hiến.

Lớn lên từ phong trào Đoàn

Là đơn vị giáo dục sinh sau đẻ muộn ở vùng ngoại ô Q.12, TP.HCM nên Trường THPT Trường Chinh có nền tảng vững chắc về cơ sở vật chất. Nhưng đó không phải là bí quyết duy nhất để làm nên thành tích của ngôi trường mang tên vị Tổng Bí thư Trường Chinh trong 20 năm qua. Công sức đó còn phụ thuộc vào cỗ máy điều hành là BGH nhà trường đặc biệt là vai trò của người hiệu trưởng.

Trước đó, làm việc với thầy Hoàng Công Trữ - một trong 2 trợ lý tích cực của Đoàn trường, thầy Lương Văn Định đã trao đổi cụ thể về những hoạt động sắp tới của BCH Đoàn trường chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 86 ngày thành lập Đoàn TNCS HCM vào ngày 26-3-2017. Vốn xuất thân từ phong trào Đoàn nên mỗi khi được trợ lý thanh niên tham mưu cho BGH, thầy hiệu trưởng gần như nắm bắt được tinh thần của công việc dù tất cả còn nằm trên giấy. Sự làm việc đồng bộ đó chính là sợi dây kết nối bền chặt giữa chính quyền và các đoàn thể, giữa lớp trẻ với cán bộ quản lý, giữa phong trào và chương trình hành động. Ở đây không chỉ đồng tâm về chủ trương mà còn phải đồng điệu về cách nghĩ, cách nói, cách làm việc.

Năm 1987 sau khi tốt nghiệp ĐHSP thầy giáo trẻ Lương Văn Định về công tác tại Trường THPT Thạnh Lộc. Đó chính là xuất phát điểm ban đầu của một thầy giáo gắn bó với phong trào Đoàn khối HS khi thầy Định được BGH nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ trợ lý Đoàn Thanh niên có nhiều việc phải làm. Không chỉ nhìn vào thành tích học tập xuất sắc của bản thân, nhà trường thật sự kỳ vọng vào thầy giáo trẻ có thâm niên chững chạc trong công tác Đoàn. Tròn 30 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức thầy Định vẫn không thể nào quên những ngày đầu xả thân đó: “So với bạn bè tôi vào Đoàn rất sớm, lúc đó mới 15 tuổi. Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, tôi tham gia vào BCH Đoàn trường phổ thông nhiều năm liền”.

Trường học tôi luyện người cán bộ

Cũng theo lời kể của thầy, vào đại học tuy không ở trong BCH Đoàn trường nhưng với cương vị là một lớp trưởng 4 năm liền người cán bộ Đoàn cơ sở luôn được “dung nạp” thêm kinh nghiệm lãnh đạo phong trào. Ngoài những lớp tập huấn công tác cán bộ ở trường Đoàn, chính thực tế phong trào sôi động của Trường THPT Thạnh Lộc đã dìu dắt thầy giáo dạy toán tự tin hơn dám vượt qua sóng lớn đưa phong trào Đoàn vươn ra biển rộng. Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu 3 năm sau đó lại in dấu ấn của người trợ lý thanh niên năng nổ châm ngòi cho phong trào Đoàn trong 7 năm liên tục.

Ngồi kể chuyện xưa, khi được hỏi về phẩm chất cần có của một trợ lý thanh niên, thầy Định cho rằng, làm công tác thanh niên trước hết phải có tính thanh niên. Tính thanh niên được thể hiện trong công tác là xông xáo, nhiệt tình và tươi trẻ. Tuy nhiên không thể phủ nhận năng lực công tác Đoàn vì nếu không có năng lực thì dù nhiệt tình đến mấy cũng khó trở thành thủ lĩnh được. Năng lực đó cần được trải nghiệm, cọ xát qua thực tế thì người cán bộ Đoàn mới mau lớn khôn và trưởng thành. Nhưng quan trọng là phải đam mê, nhiệt huyết yêu thích để dấn thân. Vai trò của chính quyền cũng không hề nhỏ. Trợ lý thanh niên có thể “đơn thương độc mã” khó trở thành cán bộ tham mưu nếu thiếu sự hỗ trợ của chính quyền. Công tác thanh niên của nhà trường thành công khi có sự góp sức của trợ lý thanh niên theo mối quan hệ tương hỗ. Theo thầy hiệu trưởng, GVCN cũng là một thành tố không thể thiếu để giúp sức cho trợ lý thanh niên và bí thư Đoàn trường.

Khi nhắc đến những lớp cán bộ Đoàn là HS cũ, thầy Định thật sự tự hào các gương mặt tiêu biểu như Văn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Ngọc Hổ một thời là cán bộ Đoàn xuất sắc, có năng lực, học tập tốt dù hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy, đội ngũ cán bộ quản lý xuất thân từ cán bộ Đoàn luôn hiểu quần chúng hơn ai hết vì nắm được thực tế công việc nên tránh được sự quan liêu, áp đặt cứng nhắc và cả mệnh lệnh hành chính. Đó là những thủ lĩnh phong trào được trui rèn trong lửa đỏ và nước lạnh nên có phong cách lãnh đạo bài bản, làm tốt công tác quần chúng, không màu mè kiểu cách, chân thật như phẩm cách người đoàn viên thanh niên có chí hướng.

Bài, ảnh: Quang Phan