Thứ bảy, 15/10/2016, 20h41

Truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc cho học sinh

Nếu trước đây, còn có khoảng cách xa lạ với đa số học sinh thì thời gian gần đây, âm nhạc truyền thống dân tộc Việt đã bắt đầu xích lại gần hơn với các trường học để được bén rễ vào tình yêu âm nhạc cho các em học sinh.

Nghệ sĩ Linh Trung giới thiệu đàn T’rưng với các em học sinh Trường TH Phạm Hùng

Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường 

Tại Trường TH Phạm Hùng, chương trình Giới thiệu nhạc dân tộc trong học đường với chủ đề Hãy nghe và cảm nhận nhạc dân tộc như lời ru của mẹ do Phòng GD-ĐT Bình Chánh và Tổ chức Hỗ trợ giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam Văn phòng 2 (OSEDC) phối hợp tổ chức được các em học sinh đón nhận nồng nhiệt. Chương trình đặc biệt vì các nghệ sĩ bước lên sân khấu hầu hết đều là những đứa trẻ bị khuyết về cơ thể, bất hạnh từ nhỏ vì không nhìn thấy ánh sáng do bị mù lòa. Màn mở đầu của các em thật sự ấn tượng với tiết mục Trống hội ra quân do tập thể học viên của OSEDC trình diễn. Không nhìn lên sân khấu mà chỉ nghe tiếng trống, người ngồi hàng ghế khán giả khó mà nhận biết được các nghệ sĩ đánh trống chính là những đứa trẻ khiếm thị. Lúc khoai thai lúc dồn dập tiếng trống như thúc giục lòng người vang dậy khúc khải hoàn ca ngày chiến thắng. Để có được tiết mục đình đám đưa lên sân khấu ngày hôm nay các em đã phải cần mẫn học từ cách cầm dùi, lối vỗ tang trống và lúc nào cũng phối hợp thật ăn ý với bạn diễn. Dù không nhìn thấy nhạc cụ, nhưng các nghệ sĩ trong bóng tối vẫn cảm nhận được nguyên tắc đánh trống khai hội để có được những cung bậc âm thanh vang vọng và truyền cảm nhất. Em Nguyễn Minh Huy - thành viên xuất sắc trong đội trống chia sẻ: “So với nhạc cụ khác, tiếng trống đơn giản nhưng lại có hồn riêng không lẫn vào đâu được. Ngoài âm thanh rõ to, dứt khoát tiếng trống cũng theo giai điệu riêng của nó”. Mang nặng hồn thiêng của núi rừng Tây Nguyên, dàn đồng ca đàn đá với tác phẩm khí nhạc Âm vang đất nước của các em nam đem đến cho người xem một cảm xúc khác. Tuy mới làm quen với nhạc cụ thô sơ, đậm đặc chất đại ngàn nhưng các em đã viết lên đó bản trường ca Đam San bằng âm thanh mà không có nhạc cụ nào thay thế được. Nhìn đôi tay cầm búa gõ lên những tảng đá của Châu Hoài Phong, ai cũng thấy đó là khúc hát không lời của một nhạc công chuyên nghiệp. Hòa theo bản nhạc đàn đá, nhạc công Nguyễn Văn Trúc để lại ấn tượng đẹp cho người xem bằng tiết mục đàn T’rưng rộn ràng…

Bài học về việc giữ gìn báu vật quốc gia

“Con rất thích chương trình văn nghệ này vì được nhìn thấy tận mắt các loại nhạc cụ dân tộc và đặc biệt xúc động khi nhìn thấy các anh chị khuyết tật biểu diễn trên sân khấu. Nhờ đã tìm hiểu trước nên con đã trả lời đúng câu hỏi của chú Linh Trung về chiếc đàn tranh và đàn bầu” - em Phạm Chi Bảo - học sinh lớp 5 TH Phạm Hùng hồ hởi nói!

Nếu tại Trường TH Phạm Hùng, các em được nghệ sĩ Linh Trung giới thiệu chi tiết chiếc đàn đá, sáo trúc, trống cái thì tại Trường THCS Nguyễn Du, các em lại được NSƯT Đức Dậu thổi hồn dân tộc bằng các kiến thức về chiếc đàn T’rưng, đàn klông-pút, cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Sinh động hơn nhiều tiết mục cây nhà lá vườn của thầy trò ngôi trường mang tên đại thi hào dân tộc đã thắp sáng hơn ngọn lửa âm nhạc truyền thống từng được nhen nhóm trong mỗi bài học âm nhạc trước đó. Thầy Võ An Định - Hiệu trưởng Trường TH Phạm Hùng chia sẻ: “Mặc dù hoàn cảnh ngôi trường vùng xa còn có nhiều khó khăn nhưng khi có chủ trương đưa âm nhạc vào trường học của Phòng GD-ĐT huyện, thầy trò chúng tôi rất phấn khởi và háo hức chào đón. Đây là cơ hội may mắn để gần 1.200 học sinh của 33 lớp được thưởng thức một buổi biểu diễn mà không phải bài học nào cũng có được về việc gìn giữ âm nhạc dân tộc”. Vốn là giáo viên dạy bộ môn âm nhạc của trường, thầy Trần Văn Tạo và thầy Phạm Huyền Duy coi đây là tiết học ngoại khóa thật sự bổ ích không chỉ cho một vài đối tượng mà cho tất cả mọi khối lớp trong nhà trường.

Bài, ảnh: Hương Thủy