Thứ tư, 28/10/2015, 09h47

Từ “bệnh nhi kinh niên” đến thủ khoa trường y

Suốt thời gian tiểu học đã phải đi khắp các bệnh viện để chữa bệnh, ước mơ làm bác sĩ vì thế cũng “nảy mầm” và lớn dần trong thủ khoa Kiều Quốc Sang

Quãng thời gian học tiểu học vất vả đi khắp các bệnh viện để chữa lành chứng khó đi lại đã vô tình nuôi lớn ước mơ trở thành bác sĩ của thủ khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM 2015 - Kiều Quốc Sang.

Với mức điểm gần như tuyệt đối (29,25), Sang là một trong 85 thủ khoa vừa được Hội Sinh viên TP.HCM vinh danh, khen thưởng. Mức điểm này cũng gần sát với mục tiêu của em tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Theo Sang, dù trường y là nơi tập trung các đối thủ “đáng gườm” nhất nhưng em không dao động với mục tiêu đặt ra, một phần nhờ đã có quá trình chuẩn bị kỹ. Mặt khác, chính nhờ áp lực căng thẳng này giúp em nỗ lực nhiều hơn.

Dù bị teo một chân từ nhỏ, vận động khó khăn nhưng chưa bao giờ lý do đó ảnh hưởng đến việc học của chàng thủ khoa. Ngược lại, Sang cho rằng điều đó càng thúc đẩy em nỗ lực học tập hơn. 12 năm học phổ thông đã có đến 6 năm em đi khắp các bệnh viện để chữa bệnh. Thế nhưng năm nào cậu học sinh hiếu học này cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sang chia sẻ, em trải qua nhiều mùa hè liền trong… bệnh viện thay vì được vui chơi như các bạn khác. Nhiều lúc đặt chân đến cổng bệnh viện, em lại muốn… quay về nhưng rồi phải tự động viên mình tiếp tục. Và cũng chính vì là “bệnh nhi lâu năm” ở bệnh viện nên hình ảnh bác sĩ áo blouse trắng với em dần trở thành niềm mơ ước. “Em mong muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo, nhất là những người dân quê em”, Sang nói.

Việc học không phải bao giờ cũng thuận lợi, nhưng cậu học trò nhỏ luôn kiên trì, cần cù trong mọi trường hợp. Điều gì chưa biết thì em cố học cho biết, điều gì biết rồi thì làm cho thành thạo hơn. Giờ đây, sau một tháng trở thành sinh viên, Sang vẫn tiếp tục nhắc nhở bản thân mình phương châm ấy. “Ở trường y, chênh lệch giữa thủ khoa với các sinh viên khác chỉ từ 0,5 đến 1 điểm. Do vậy, sức ép học tập là rất lớn. Chỉ cần mất tập trung là có thể ảnh hưởng ngay đến bài vở, em đang rất nỗ lực để theo kịp đà học tập với các bạn”, Sang chia sẻ. Ngoài ra, Sang còn cho biết, em cũng đang làm quen để thích nghi với môi trường sống mới. Khi đã bắt nhịp được cuộc sống, môi trường học tập ở đây, em sẽ lên kế hoạch làm thêm, tham gia các hoạt động kỹ năng khác để trải nghiệm…

Được biết, Sang là học sinh Trường THPT Ba Gia (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Sang còn một em gái đang học lớp 6. Cả ba mẹ em đều làm nghề nông.

Bài, ảnh: Thục Trân