Thứ ba, 10/1/2017, 20h15

Từ bục giảng đến lò rèn

“Nghề rèn là niềm đam mê cũng như nỗi niềm giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Còn nghề giáo đem đến cho mình sự tươi trẻ, nụ cười và ánh mắt trong veo của lũ trẻ giúp mình thấy yêu nghề. Cả hai yếu tố đó là động lực giúp mình vừa gieo chữ vừa giữ nghề rèn suốt gần 20 năm nay”. Đó là tâm tư của thầy giáo - nghệ nhân nghề truyền thống Huỳnh Thế Tiến, ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).

Sau giờ lên lớp, đêm đêm lò rèn của thầy Tiến vẫn đỏ lửa để giữ nghề truyền thống

Duyên nợ với nghề giáo

Nghề giáo đến với thầy Tiến như duyên nợ thật tình cờ. Bấm đốt ngón tay ngót 19 năm đứng trên bục giảng, thầy Tiến vẫn bảo rằng, đôi khi cảm giác được đứng trên bục giảng với mình như một giấc mơ đẹp. Sinh ra ở làng rèn cầu Vực (phường Thủy Châu) trong thâm tâm thầy Tiến vẫn nghĩ rằng, với nghề truyền thống mấy trăm năm cha truyền con nối, lớn lên thầy cũng sẽ nối nghiệp quay búa như cha ông. Nhưng đôi khi, sự tình cờ lại gắn con người ta với cơ duyên nào đó rồi trở thành tình yêu. Nghề giáo đến với thầy Tiến cũng vậy!

Sinh năm 1969, tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Huỳnh Thế Tiến nhập ngũ. Sau ba năm nghĩa vụ, anh trở về, khăn gói vào Đà Nẵng làm nhiều nghề khác nhau, từ thợ xây dựng cho đến rèn cơ khí. Sau đó, thầy nộp hồ sơ dự thi vào ngành sư phạm âm nhạc, hệ CĐ. Tốt nghiệp CĐSP, anh xin về giảng dạy tại Trường Tiểu học Thủy Lương (thị xã Hương Thủy) cho đến bây giờ đã ngót gần 20 năm. “Nghề giáo cho mình sự tươi trẻ và niềm yêu nghề khi tiếp xúc với các thế hệ học sinh. Mình vui và hạnh phúc trước câu hỏi ngây thơ của học sinh. Đơn giản như vậy mà hạnh phúc và bây giờ nghĩ lại vẫn thấy mình đã chọn đúng!”, thầy Tiến nói.

Giữ lửa nghề rèn

Nằm về phía Nam thành phố Huế, bên cạnh cây cầu Vực và chợ Thần Phù, nghề rèn làng Vực hình thành cách nay ngót 200 năm, do một nhóm người mang theo nghề từ làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) di cư đến. Người làng rèn làng Vực có câu: “Lấy anh không đói mà lo/ Đổ than vô lò là có gạo mai”. Sản phẩm rèn làng Vực một thời nổi danh khắp nơi từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cho đến Hà Nội, thậm chí vào tận Tây Nguyên. Thời kì những năm 1985, khi kinh tế HTX phát triển, dưới cái tên HTX Hương Sơn, làng rèn này có hơn 50 hộ dân cùng đỏ lửa. Hàng ngàn sản phẩm được bán ra mỗi tháng. Nhưng rồi cũng qua thời kì kinh tế tập thể, sản phẩm làm ra mỗi chủ lò rèn phải tự xoay xở mang đi bán. Thu nhập kém dần và thua xa các sản phẩm công nghiệp. Người làm nghề rèn rơi rụng. Làng rèn mai một!

Với thầy Huỳnh Thế Tiến, nghề giáo là tình yêu và sự gắn bó

Lên 10 tuổi, thầy Tiến đã làm quen với quai búa nghề rèn của cha. Tiếng dập búa, mùi than lửa ăn sâu vào tiềm thức của từ ngày nhỏ hun đúc trong thầy đam mê và nhiệt huyết giữ gìn nghề truyền thống. Niềm trăn trở trước sự mai một của làng rèn, nỗi nhớ nghề trỗi dậy trong từng giấc ngủ. Thầy quyết định dù rất bận rộn với công việc giảng dạy nhưng vẫn quyết tâm giữ lại nghề cha ông. Chắt bóp từ đồng lương nhà giáo, cùng vay mượn thêm, thầy cùng với vợ mở lại xưởng rèn. Vận dụng vốn kiến thức được cha truyền từ năm 10 tuổi, đêm đêm, khi rời bục giảng trở về, tiếng quai búa trong sân nhà thầy Tiến lại đều đặn vang lên. Ban đầu thấy lạ, bà con chòm xòm ghé qua hỏi thăm. Biết được trăn trở của thầy, bà con động viên. Bếp than lò rèn mang tên Trường Tiến với hi vọng sẽ duy trì được dài lâu lại được thổi bùng lên đỏ lửa. Năm 2008, thầy xây dựng đề án khôi phục lại nghề rèn truyền thống làng Vực và nhận được sự đồng thuận ủng hộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Nhưng để lò rèn đỏ lửa lâu dài, ngoài kinh nghiệm về rèn các dụng cụ dùng cho sản xuất, sinh hoạt, thầy mày mò tìm hiểu thêm về kỹ thuật để cho ra những sản phẩm bắt mắt và chất lượng hơn. Để giảm bớt công sức của lao động, đồng thời tăng năng suất, thầy đầu tư thêm máy dập, máy khoan, cắt. Sản phẩm của thầy làm ra không chỉ phục vụ cho bà con làm nông, lâm, ngư nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng trong các khâu hàn cơ khí. Bên cạnh đó, lò rèn của thầy Tiến còn là địa chỉ cung cấp phôi thép đã dập cho các thợ rèn thủ công nhỏ lẻ khác trong vùng.

Chia tay thầy Tiến, chặng đường về phố tôi nhớ mãi ánh mắt rạng niềm tin của thầy, với một tấm lòng luôn có lửa: “Một lúc giữ lửa hai nghề quả là vất vả nhưng sẽ nỗ lực hết sức cho đến chút sức lực cuối cùng, bởi không thể cân đếm một bên là tình yêu và một bên là đam mê”!

Qua thời gian, sản phẩm rèn của thầy Tiến được nhiều nơi biết đến, được mời tham gia giao lưu ở nhiều hội chợ triển lãm, festival làng nghề truyền thống. Mỗi ngày, thầy vẫn không ngừng tìm tòi để sáng tạo các sản phẩm mới như “thuổng đa năng” có thể dùng làm cuốc, xẻng, thuổng… tùy vào mục đích người dùng. Năm 2013, sản phẩm tự sáng chế “Thuổng đa năng” đạt giải ba Hội thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; hay loại “dao siêu sạch” làm bằng thép trắng không gỉ rét lại sắc bén như dao Thái… “Nghề truyền thống muốn đứng vững trong vòng xoáy công nghệ cần có những sáng tạo mới kết hợp với sự tinh xảo của nghề thủ công truyền thống để làm ra sản phẩm chất lượng hơn”, thầy Tiến nói.

Nghề rèn tồn tại hàng trăm năm, không chỉ là kế sinh nhai mà còn là máu thịt với người làng Vực. Những tiếng quai búa chan chát bởi sự va đập của những thanh sắt vô hình để cho ra những sản phẩm thuận tiện cho người dân như những thanh âm vui vẻ trong đời sống thường nhật. Hỏi về vinh dự khi là thợ rèn duy nhất trên địa bàn Thừa Thiên - Huế được UBND tỉnh này công nhận là nghệ nhân nghề rèn truyền thống hồi tháng 9-2016, thầy Tiến cười hiền: “Với tôi đó là nguồn động lực để tiếp tục giữ lửa làng rèn - một phần đời sống của cha ông - kí ức của mình”. 

Ngày và đêm, thầy Tiến như con thoi qua về giữa lớp học và xưởng rèn, những giọt mồ hôi nhỏ xuống dành cho tình yêu và niềm đam mê. Thầy bảo, nghề giáo và nghề rèn tuy khác nhau nhưng gặp nhau ở điểm chung đó là sự sáng tạo và tính kiên nhẫn. Bởi vậy, trong giáo án của thầy, những bài học về giữ nghề truyền thống luôn được khơi gợi trong mỗi tiết học.

Bài, ảnh: Phan Lệ