Thứ sáu, 20/11/2015, 09h58

“Tự điển sống” về các loài thảo dược

TS. Kinh với GS. Viện sĩ Nga I.V. Torgov năm 1994

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu khoa học và cũng chừng ấy năm đứng trên bục giảng thế nhưng đối với TS. Phan Quốc Kinh - nguyên Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam - các công trình bào chế thuốc từ các loài cây cỏ Việt Nam để chữa bệnh cho người dân mới là niềm vui sướng nhất trong cuộc đời ông.

GS.TS Nguyễn Lân Hùng từng gọi ông là “vua dược”, là “bộ từ điển sống” dược học bởi kiến thức uyên thâm của một tiến sĩ khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu về các loại thảo dược.

“Vua dược” trong mắt đồng nghiệp

Nguyên là Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh vật học Việt Nam nên GS.TS Nguyễn Lân Hùng thường làm việc với các chuyên gia về ngành dược. Mãi cho đến khi gặp được TS. Phan Quốc Kinh, ông mới thực sự tìm được người tâm giao giải đáp thỏa đáng mọi khó khăn về từng loại cây thuốc. Ông Hùng nhận định, với bề dày hàng chục năm giảng dạy Trường ĐH Dược Hà Nội và các công trình nghiên cứu khoa học ở Liên Xô (cũ), Hà Lan, TS. Phan Quốc Kinh đã thành “bộ từ điển sống” về dược học. Tuy nhiên theo ông Hùng, nếu không chịu “xê dịch” từ nơi này sang nơi khác mà chỉ chăm chú ngồi một chỗ trong phòng thí nghiệm thì TS. Kinh cũng rất khó trở thành “vua dược” như cách gọi của đồng nghiệp.

Kỷ niệm mà ông Hùng vẫn không quên cách đây 30 năm là có lần ông Giám đốc Sở Nông nghiệp Lai Châu “tặng” cho ông một cây rừng chỉ có 1 lá vì thấy người Trung Quốc sang lùng mua với giá cao mà chẳng ai biết để làm gì. Không còn cách nào hơn ông về “cầu cứu” TS. Kinh. Kết quả thật mỹ mãn, vị tiến sĩ họ Phan cho biết lá cây độc diệp này làm kháng sinh rất tốt nên rất có thể họ sẽ dùng để bào chế thuốc chống siêu vi trùng HIV trong căn bệnh AIDS.

Sách Thuốc nam chữa bệnh cho người nghèo của tác giả Phan Quốc Kinh

Lần khác sau chuyến đi Mỹ về, ông tới hỏi TS. Kinh về một dược chất chiếm 40% trong viên thuốc Zeturin có tác dụng tăng cường sinh lý tuổi mãn kinh. Kết quả cũng thật bất ngờ vì TS. Kinh cho biết ngay dược chất đó được chiết xuất từ cây tật lê. Được trò chuyện cùng với nhà dược liệu học, ông mới biết TS. Kinh còn là chủ nhân của những vườn cây tật lê đang được phủ xanh đồi trọc tại một số tỉnh Nam Trung bộ vốn là nơi đất cằn rất kén các loại cây trồng. Không chần chừ, ông đã tìm vào đến tận nơi để khám phá thêm loại dược liệu quý mà từ trước tới nay người dân nơi đây thường tìm cách nhổ bỏ. Nhờ TS. Kinh tư vấn đến lúc này ông mới thấy “người nông dân đứng trên vàng mà không biết”.

Đến Quảng Ninh khi thấy người dân ồ ạt trồng nghệ xuất sang Trung Quốc, ông lại “gõ cửa” TS. Kinh.  Những “bài học” từ dược liệu lại được mở ra khi TS. Kinh cho biết nghệ sẽ là một trong những cây dược liệu được chú ý nhất trong thế kỷ 21. Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có công bố kết quả về việc ứng dụng nano với các dẫn xuất từ củ nghệ bởi nó loại trừ được rất nhiều bệnh tật kể cả ung thư. Lại có cán bộ nông nghiệp cao cấp nghe tin đồn về một loại cây lan dùng làm thuốc cực kỳ quý của Trung Quốc 1kg cả ngàn đô nên dự kiến trồng đại trà tại Việt Nam. Thế nhưng TS. Kinh cho biết đó là cây thạch hộc cũng có tác dụng chữa bệnh nhưng không nhiều như người ta đồn thổi. Một lần vào TP.HCM từ sân bay đi ra thấy người ta đang trồng 5 vạn cây có lá xanh hoa đẹp, ông phát hiện ngay đó là cây cô ca cảnh có độc tố gây chết người nên lá thường dùng để chiết xuất chất ma túy cocain. Nhờ sự can thiệp của ông mà sau đó loại cây này đã được nhổ bỏ đồng loạt. 

Dập dịch lỵ - công trình để đời

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại làng khoa bảng Đông Thái (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhưng cha mẹ nghèo đông con nên lúc nhỏ cậu bé Bình (tên thường gọi của TS. Kinh hồi bé) phải làm con nuôi cho dòng tộc họ Hoàng. Năm 1954 ông đã trở thành sinh viên Khoa Dược của Trường ĐH Y dược Việt Nam. Là sinh viên xuất sắc của khóa học, tốt nghiệp ông được giữ lại trường để rồi bước chân với nghề dược học - một nghề đòi hỏi rất nhiều chất xám và ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ. Tự học ngoại ngữ trong khi đi cắt tóc dạo thời sinh viên, năm 1963 ông được cử đi học sau ĐH tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Tại đây, ông đã đặt những dấu ấn đầu tiên trên con đường nghiên cứu y dược của một trí thức trẻ Việt Nam vừa thoát khỏi cảnh nô lệ bằng ý chí quyết tâm và tinh thần học hỏi nghiêm túc. Sau khi về nước giảng dạy, với nhiều công trình nghiên cứu về các loại thảo dược Việt Nam, năm 1978 ông được Bộ Y tế tiếp tục cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH quốc gia Leiden (Hà Lan). Cùng với các nhà khoa học Hà Lan, ông đã thành công trong việc chiết xuất và xác định cấu tạo hóa học của rễ cây lài trâu, cây dừa cạn, tật lê, cà độc dược và cả nọc cóc. Đây cùng là nơi ông được Hội đồng khoa học nước bạn ưu tiên thi đặc cách tiến sĩ hóa sinh học vào năm 1995 sau thành công bảo vệ luận án Nghiên cứu các chất độc từ cây cỏ và động vật Việt Nam.

TS. Kinh báo cáo với cố Tổng Bí thư Trường Chinh về hiệu quả thuốc an thần từ củ bình vôi

Hành trình 50 năm đi vào thế giới cây cỏ động vật của TS. Phan Quốc Kinh đã để lại trong ông bề dày kinh nghiệm và những dấu ấn không thể nào quên. Trong đó không thể không nhắc đến sự kiện dập tắt dịch lỵ bằng cây cỏ thuốc nam vào những năm 1970. Trong lúc ngành y tế đang bối rối chưa tìm được nguồn thuốc khan hiếm thì TS. Phan Quốc Kinh lúc đó mới 35 tuổi đã dám thay mặt Trường ĐH Dược Hà Nội hứa sẽ nghiên cứu và cung cấp đủ thuốc cho Bộ Y tế sau 6 tháng. Có thể nói đây là thời kỳ tổng động viên của toàn bộ giảng viên, cán bộ, sinh viên nhà trường tập trung vào nghiên cứu các loại cây cỏ có hoạt chất chống vi khuẩn và amip gây lỵ như cỏ sữa lá lớn, hoàng liên gai, hoàng bá, hoàng đằng... để cho ra đời thuốc codanxit và berberin clorid. Nhờ hai loại thuốc này mà sau đó dịch lỵ khủng khiếp đã được khống chế hẳn.

Là một nhà khoa học nhưng với tầm mắt nhà nông, TS. Phan Quốc Kinh luôn đưa ra những dự án mang tính thực tiễn nên các loại cây cỏ trong nước ngày một lên ngôi sản sinh những loại thuốc quý và trở thành niềm tự hào trên các quốc gia khác. Trong chuyến trở lại TP.HCM để dự Hội nghị khoa học của ngành dược Việt Nam mới đây, ông chia sẻ với tôi: “Nguồn dược liệu từ cây cỏ là một tài nguyên vô giá của đất nước nên cần phải trân trọng và bảo vệ. Luôn tạo điều kiện cho người nông dân biến đất hoang thành vườn cây thuốc quý để phát huy hết tác dụng của chúng”. Ngồi trò chuyện mới thấy ông là con người khẳng khái, cương trực, không ít lần dám “tranh cãi” với các nhà khoa học thế giới về các giá trị đúng nhưng ông lại là mẫu người rất yêu quý nông dân, chăm lo đến cuộc sống và sức khỏe những người chân bùn tay lấm đã vất vả nuôi đời bằng những hạt gạo và các bài thuốc quý. Trên bục giảng ông là người thầy được nhiều thế hệ sinh viên trường dược trong và ngoài nước cảm mến về đức độ và tài năng.

Ngọc Quang