Thứ bảy, 18/2/2017, 20h57

Tự hào với chiếc áo dài truyền thống

Chiếc áo dài là niềm tự hào của dân tộc từ bao đời. Trải qua nhiều lần biến đổi mới, thành hình khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống như hiện nay.

Nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài của nhà thiết kế Việt Hùng. Ảnh: V.H

Sự lan tỏa

Tháng 3, Lễ hội áo dài TP.HCM lần 4 sẽ diễn ra. Chương trình do Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đơn vị liên quan tổ chức. Lễ hội áo dài không chỉ dừng lại trong thời gian tổ chức mà hiệu ứng lan tỏa từ sự kiện góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá tinh hoa văn hóa Việt. Trong 3 lần trước, lễ hội luôn thu hút đông đảo người dân ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Đặc biệt du khách nước ngoài trong dịp tháng 3 cũng hào hứng tham gia như cùng mặc áo dài, cùng vui chơi và đi dạo phố với tà áo dài Việt.

Năm 2002, chiếc áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Chính sự kết hợp truyền thống lại vừa hiện đại, vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ đã làm chiếc áo dài Việt Nam có một sức hút đặc biệt. Áo dài đã trở thành trang phục không thể thay thế trong các dịp trọng đại, các sự kiện, nghi thức có tính trang nghiêm, chính thống.

Lễ hội áo dài TP.HCM được xác định rõ mục tiêu, ý nghĩa của sự kiện là nhằm tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt Nam, nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài; đồng thời đẩy mạnh phong trào mặc áo dài trong các hoạt động đời thường cũng như trong công việc của người dân TP. Cũng trong tháng lễ hội áo dài, sẽ có nhiều chủ đề liên quan đến áo dài như lịch sử hình thành, quá trình biến đổi và những nét văn hóa cũng được tổ chức thông qua nhiều sự kiện, hoạt động giúp người dân và du khách hiểu về nét văn hóa đặc sắc này.

Đồng hành với Lễ hội áo dài TP.HCM 3 năm liền, nhà thiết kế Việt Hùng chia sẻ: “Lễ hội áo dài TP.HCM là tín hiệu vui khi chiếc áo dài đã đi vào đời sống người dân TP. Áo dài cũng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa dân tộc đối với bạn bè, du khách quốc tế”.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống của áo dài

Trong dịp Tết Đinh Dậu, áo dài cách tân đã trở thành đề tài sôi nổi được đưa ra tranh luận và vẫn chưa có hồi kết. Không thể phủ nhận chính sự cách tân làm độ dài thân áo, tay áo trở nên đa dạng, độ rộng của ống quần cũng được thay đổi là một trong những lý do khiến nhiều chị em phụ nữ lựa chọn. Bởi, sự cách tân ấy tiện cho việc di chuyển, cử động của người mặc. Vẫn giữ lại những nét cơ bản của chiếc áo dài truyền thống nhưng áo dài cách tân mang dáng vẻ năng động, hiện đại, trẻ trung và sự tiện lợi nên đã trở thành trang phục được yêu thích của phái đẹp.

Đồng hành với Lễ hội áo dài TP.HCM 3 năm liền, nhà thiết kế Việt Hùng chia sẻ: “Lễ hội áo dài TP.HCM là tín hiệu vui khi chiếc áo dài đã đi vào đời sống người dân TP. Áo dài cũng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa dân tộc đối với bạn bè, du khách quốc tế”.

Câu chuyện sẽ không trở nên ầm ĩ nếu như không có hình ảnh những bộ áo dài cách tân phản cảm tràn ngập trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn... Không ít chị em đã tự làm “kém duyên” khi diện lên mình những chiếc áo dài cách tân có cổ áo khoét hơi sâu, mặc với quần ôm sát người hoặc chiếc váy quá ngắn... “Áo dài cách tân mang tính ứng dụng, góp phần mang chiếc áo dài đi vào đời sống hằng ngày gần gũi hơn. Việc tìm tòi và đổi mới là phù hợp với quy luật phát triển. Riêng với chiếc áo dài, sự cách tân, đổi mới không thể đi liền với sự “nổi loạn” mà phải theo khuôn khổ, nếu không sẽ sớm bị đào thải. Áo dài cũng như những trang phục khác, người thiết kế và người mặc có quyền sáng tạo, điều chỉnh nhưng nên dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử, đừng vì muốn “làm mới” mà đánh mất đi vẻ đẹp tinh hoa truyền thống của dân tộc”, nhà thiết kế Việt Hùng cho biết.

Thời trang vốn luôn có sự vận động, biến chuyển không ngừng. Việc cách tân áo dài được nhiều người đồng tình cũng bởi mẫu áo truyền thống đôi khi cầu kỳ, gò bó, bất tiện. Tuy nhiên, cái đẹp chỉ được tôn vinh khi sử dụng đúng hoàn cảnh, mục đích và phù hợp vóc dáng.

Cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.1) chia sẻ: “Giáo viên mặc áo dài 100% khi lên lớp, riêng ngày thứ hai mặc đồng phục nhưng đồng phục cũng là áo dài cùng màu. Đây là nề nếp nhà trường đã xây dựng từ lâu vì áo dài thể hiện rõ phong cách mô phạm của nhà giáo, vừa kín đáo lại vừa trang trọng. Ở trường, có rất nhiều giáo viên trẻ nhưng họ vẫn mặc áo dài truyền thống chứ không mặc áo dài cách tân dù rằng nhiều bạn trẻ hiện nay theo phong trào cách tân để thể hiện năng động. Tuy nhiên, giáo viên của trường đều nhận thấy áo dài truyền thống vẫn mang phong cách chuẩn mực nhất để đứng trên bục giảng”.

Tôn trọng, giữ gìn vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống cũng chính là thể hiện niềm tự hào với một trang phục tinh tế, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và đưa áo dài hòa vào nhịp sống hiện đại.

Yên Hà - Dương Bình