Thứ năm, 8/3/2018, 21h12

Từ “nói” đến “làm” có khoảng cách…

Theo dự kiến, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa bộ môn mỹ thuật vào dạy ở bậc THPT. Nếu có đầy đủ điều kiện, đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc đưa vào học một bộ môn thuộc lĩnh vực nghệ thuật, lĩnh vực năng khiếu là hết sức cần thiết. Ở đây, theo tôi hiểu, mỹ thuật không đơn thuần là nét vẽ, sự phối hợp đường nét, sắc màu… để tạo nên tác phẩm mà là giáo dục học sinh cảm nhận được cái đẹp, cái sâu sắc của hội họa. Không phải dễ dàng ai cũng hiểu ý nghĩa một bức tranh! Có muôn vàn ý tứ, muôn vàn sự tinh tế mà tác giả gửi gắm ý nghĩa nhân văn qua từng đường nét, từng sắc màu.

Đây là một bộ môn thuộc về năng khiếu, không phải ai cũng vẽ được, ai cũng cầm cọ được. Vì thế, các trường văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh thường tuyển sinh khá vất vả để có học viên theo học. Cũng như bộ môn nhạc, bộ môn này không dễ gì tìm ra thầy dạy cho các em vì trên thực tế, rất ít giáo viên dạy mỹ thuật ở bậc THPT.

Hiện nay, môn mỹ thuật được dạy ở bậc tiểu học và THCS. Giáo viên bộ môn của hai bậc học này thường xuyên thiếu, không đồng bộ. Nay bậc THPT cần giáo viên có trình độ ĐH mỹ thuật thì lấy đâu ra để giảng dạy? Như vậy, khi đi vào thực hiện mới thấy sự khó khăn của vấn đề giáo viên dạy. Từ “nói” đến “làm” có khoảng cách rất xa vì khâu đào tạo chưa chuẩn bị giáo viên (mà có chuẩn bị cũng không kịp) vì việc thực hiện đã rất gần. Do đó, nếu đi vào thực hiện chương trình mới, bộ môn mỹ thuật sẽ được học theo chuyên đề mới đáp ứng được yêu cầu tiến độ của chương trình. Học chuyên đề thường tập trung từ ba đến bốn lớp; việc kiểm tra, theo dõi, chấm bài lại là cả vấn đề nan giải.

Chúng tôi không rõ đã có sự chuẩn bị tới đâu mà Bộ GD-ĐT cứ đưa những môn học mới vào chương trình như thế này thì e rằng thầy cô và học sinh đuổi theo cũng mệt mỏi.

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)